"Ngược núi" làm giàu

  • 07:12, 11/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa kéo nhau vào miền Nam tìm việc làm thì Đinh Hữu Thiêm (SN 1987) lại quyết định "ngược núi", bám trụ quê hương làm trang trại. Sau gần 10 năm lập nghiệp, quăng quật với mưa rừng, gió núi, vợ chồng anh Thiêm đã biến vùng đất rừng nghèo kiệt ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc (Minh Hóa) thành một khu trang trại tổng hợp rộng gần 10ha, cho thu nhập ngày càng cao và ổn định.
 
Khởi nghiệp trong gian khó
 
Trang trại của vợ chồng anh Đinh Hữu Thiêm và chị Cao Thị Tuyết Mai nằm sát bìa rừng, tách biệt với khu dân cư ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc. Vào thăm trang trại, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi trang trại được quy hoạch bài bản với vườn cây ăn quả, ao nuôi cá và khu chuồng trại nuôi lợn rừng ngăn nắp, sạch sẽ. Xa hơn một chút nữa là cánh rừng keo rộng hơn 5ha xanh ngút tầm mắt.
 
Sinh ra ở xã miền núi Hóa Phúc, đến tuổi thanh niên, trong khi bạn bè cùng trang lứa kéo nhau vào miền Nam tìm việc làm, thì Đinh Hữu Thiêm lại quyết định “ngược núi” quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Thiêm kể, năm 2009, sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng quyết định vay mượn mua khu đất nghèo kiệt nằm sát bìa rừng cuối thôn Kiên Trinh để lập nghiệp.
 
Vợ chồng anh Đinh Hữu Thiêm chăm sóc vườn cam mới trồng do Công an tỉnh hỗ trợ giống.
Vợ chồng anh Đinh Hữu Thiêm chăm sóc vườn cam mới trồng do Công an tỉnh hỗ trợ giống.
Có đất, nhưng lại thiếu vốn để đầu tư nên vợ chồng Thiêm chọn phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển trang trại. Ngày mới khởi nghiệp, người làng mỗi lần đi rừng ngang qua “trang trại” của Thiêm, nhìn thấy cả khu đất rộng thênh thang mà chỉ có 2 “bóng người” hết phát cây, lại cuốc đất, ai cũng ái ngại cho vợ chồng anh. Tiếng là làm trang trại nhưng khi bắt đầu, vợ chồng anh chỉ có sức người là chủ yếu. Ngày đó, “khai hoang” được miếng đất nào, anh lại cắm xuống đấy các giống cây ngắn ngày như đậu lạc, sắn, khoai môn…
 
Sau một năm, khi những loại cây ngắn ngày cho thu hoạch, dành dụm được ít vốn, vợ chồng anh Thiêm bắt đầu mua giống keo để trồng rừng. Vậy nhưng, trồng rừng kinh tế phải chờ đến hơn 5 năm mới có thu nhập.
 
Không thể ngồi yên, vợ chồng anh quyết định vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Sau nhiều lần suy đi tính lại, vợ chồng anh Thiêm quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi lợn rừng. Anh Thiêm chia sẻ, anh chọn nuôi lợn rừng vì sau một thời gian tìm hiểu trên sách báo, cũng như đi tham quan một số mô hình, nhận thấy đây là đối tượng tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương, có đầu ra và giá cả ổn định…
 
Do ít vốn, lứa đầu tiên vợ chồng anh chỉ mua được hơn 10 con lợn rừng lai về nuôi. Đàn lợn lớn nhanh nhưng khi xuất bán, người tiêu dùng lại chê lợn nhiều mỡ, thịt không ngon. Vì vậy, sau lứa đầu, anh Thiêm nghiên cứu và tìm cách lai tạo ra giống lợn rừng mới để có thịt ngon hơn…
 
“Mối tình” giữa lợn rừng đực F0 và lợn nái F1
 
Dẫn chúng tôi ra thăm khu chuồng trại chăn nuôi lợn rừng của gia đình, chỉ chú lợn đực được nuôi theo chế độ đặc biệt ở một ô riêng, anh Thiêm bảo: “Nó là con lợn rừng đực F0 mà tôi mua được của một người thợ săn trong vùng cách đây hơn 3 năm. Lúc tôi mua, một chân nó bị thương do mắc bẫy. Phải mất gần 6 tháng chăm sóc, thuần dưỡng, nó mới chịu “phục tùng” đó.”
 
Chị Cao Thị Tuyết Mai (vợ anh Thiêm) chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình.
Chị Cao Thị Tuyết Mai (vợ anh Thiêm) chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình.
Theo anh Thiêm, sau khi thuần dưỡng được con lợn rừng đực F0, anh bắt đầu cho giao phối với lợn nái rừng F1. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng “mối tình” giữa lợn đực rừng F0 và lợn nái F1 cũng đơm hoa kết trái, những đàn lợn rừng lai tạo đã ra đời.
 
Chỉ đàn lợn rừng tung tăng đi ủi đất, anh Thiêm cho biết, lợn giống nuôi ở trang trại bây giờ đều là kết quả của “mối tình” trên. Nhờ vậy, đàn lợn dễ nuôi nhưng lại cho thịt ngon, không còn nhiều mỡ như giống lợn rừng đã qua nhiều thế hệ. “Lợn rừng của tôi thường có lớp da dày từ 10-15mm, thịt màu đỏ như gạch, dưới da không có mỡ, ăn giòn, thơm mà không ngấy…”, anh Thiêm cho biết.
 
Cũng theo lời anh Thiêm, giống lợn rừng của gia đình anh có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, khi nuôi phải bảo đảm chuồng trại thông thoáng, đón được nắng và có không gian rộng rãi để lợn được sống như ở môi trường tự nhiên. Ngoài ra, để thịt lợn thơm ngon, săn chắc, vợ chồng anh Thiêm hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, thay vào đó là các loại cám, ngô, sắn, rau, quả… Nhờ vậy, thịt lợn rừng của vợ chồng anh Thiêm luôn được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng và đánh giá cao…
 
Thu nhập ngày càng cao và ổn định
 
“Vợ chồng anh Đinh Hữu Thiêm là một tấm gương sáng cho các bạn trẻ ở địa phương học tập. Thời gian qua, thấy được ước mơ vượt khó trên mảnh đất quê hương, Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức đoàn thể-xã hội ở địa phương cũng đã quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, góp phần giúp ước mơ, hoài bão của vợ chồng anh Thiêm thành hiện thực. Khi nhìn thấy trang trại của Thiêm đã cho thu hoạch chúng tôi rất vui. Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ trên mảnh đất nghèo Hóa Phúc dám nghĩ, dám làm như vợ chồng anh Thiêm để giúp cho quê hương phát triển hơn…”, ông Đinh Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết.

Anh Thiêm cho biết, ngoài việc duy trì thường xuyên trong chuồng 1 con lợn đực rừng F0, 5 con lợn rừng nái F1, thì đàn lợn thịt của gia đình lúc nào cũng được “gối đầu” gần 50 con.

Cùng với chăn nuôi lợn rừng, anh Thiêm còn có đàn trâu, bò hàng chục con và một ao thả cá rộng trên 500m2. Ngoài ra, vợ chồng anh còn trồng được hơn 5ha rừng nguyên liệu (hiện đã từ 2 đến 5 tuổi); 30 gốc bưởi, 30 trụ tiêu, 100 gốc chuối.

Đặc biệt mới đây, gia đình anh được Công an tỉnh hỗ trợ 400 cây giống cam không hạt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa hỗ trợ kỹ thuật và phân bón, sau hơn 1 năm trồng, vườn cam phát triển rất tốt và đã bắt đầu cho quả bói.

Sau hơn 10 năm quăng quật với mưa rừng, gió núi, đến nay, trang trại của vợ chồng anh Thiêm cho thu nhập ngày càng cao và ổn định. Không tính rừng keo trên 5ha, đến thời điểm này, trang trại tổng hợp của anh Thiêm đã thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ các chi phí. Trang trại cũng trở thành điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân trong vùng.
 
Nói về tương lai, anh Thiêm khiêm tốn: “Giờ nguồn thu nhập từ trang trại mỗi năm một tăng lên. Mới đây, tôi cũng mua thêm đất của những hộ dân xung quanh để trồng rừng, mở rộng trang trại (hiện anh Thiêm có 10ha đất- PV). Thời gian tới, tôi cũng mở rộng mô hình nuôi lợn rừng, trồng các loại cây ăn quả có chất lượng để tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương”.
 
Phan Phương

tin liên quan

Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi
Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

(QBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng tổng đàn, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, huyện Bố Trạch đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (CSATDB). Đây được xác định là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch và là cơ sở để huyện chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.

Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao
Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao
(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu thế phát triển, huyện Bố Trạch đã chú trọng đầu tư các công trình phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang những đối tượng con nuôi có giá trị cao, hiệu quả bền vững.
 
Tích cực hưởng ứng "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia"
Tích cực hưởng ứng "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia"

(QBĐT) - Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, qua đó, đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng doanh số kinh doanh năm 2021.