Quả ngọt trên đất cằn

  • 04:10, 04/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa), ai cũng trầm trồ khen ngợi mô hình kinh tế tổng hợp của vợ chồng ông Trương Văn Trạng và bà Cao Thị Thu Lương ở thôn 1 Kim Bảng. Từ hai bàn tay trắng, ông bà đã vượt khó thoát nghèo, nuôi các con ăn học nên người, đầu tư làm nhà cửa khang trang.
 
Ông Trạng năm nay đã 67 tuổi, là người lính Cụ Hồ, 6 năm cống hiến sức trẻ tham gia quân ngũ, tình nguyện qua chiến trường Lào, Campuchia. Rời quân ngũ trở về địa phương, phát huy tinh thần người lính, ông bắt tay làm kinh tế sau khi đã lập gia đình. Ông là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cá lồng thành công ở xã Minh Hóa.
 
Ngày ấy, nước tự nhiên tại các đập hồ dồi dào, nguồn thức ăn phong phú nên nghề nuôi cá lồng đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông. Vợ chồng ông cũng đầu tư trồng rừng kinh tế với diện tích gần 2ha.
 
Đến năm 2016, ông Trạng quyết định thu hoạch rừng trồng, không đầu tư nuôi cá lồng mà cải tạo đất để chuyển qua trồng cây ăn quả. Vợ chồng ông vay mượn ngân hàng số tiền trên 100 triệu đồng để thuê máy san đất, đào hố trồng cây ăn quả, đào 1 ao để thả cá.
 
Ông Trạng chia sẻ: "Do nguồn lực hạn chế, nên gia đình chỉ đầu tư san ủi những chỗ đất đồi cao để tạo mặt bằng, những chỗ thấp trũng vẫn giữ nguyên hiện trạng. Trên diện tích gần 1ha, tôi trồng 1.000 gốc chè, gần 1.000 gốc cây ăn quả (cam, chanh, ổi, thanh long); xây dựng khu chuồng trại nuôi mỗi năm hàng trăm con gà và lợn nái sinh sản".
Ông Trương Văn Trạng chăm sóc vườn ổi.
Ông Trương Văn Trạng chăm sóc vườn ổi.
Tận dụng nguồn nước tự nhiên, gia đình ông bà đào thêm ao thả cá. Cần mẫn chăm sóc, lấy ngắn nuôi dài, bước sang năm thứ 3, vườn cây ăn quả của gia đình đã bắt đầu cho thu nhập, đặc biệt năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ cây ăn quả và chăn nuôi đã gần 100 triệu đồng.
 
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới đầu còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhưng dần dần gia đình ông Trạng đã sử dụng kênh bán hàng online trên mạng xã hội nên các loại quả đến kỳ thu hoạch, như: Thanh long, chanh đào, cam, ổi vẫn được bán với giá cao, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. 
 
Để có được quả ngọt như hôm nay, vợ chồng ông Trạng, bà Lương đã trường kỳ bám đất từ những ngày đầu bắt tay cải tạo vườn. Nhờ quyết định chuyển đổi táo bạo, đất đã không phụ lòng người, những giọt mồ hôi đổ xuống đã hồi sinh vườn cây ăn quả xanh tốt, quả trĩu cành. Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng ông bà đang có dự định chuyển đổi trên 1ha đất trồng cây tràm sang trồng rừng gỗ lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 
 
Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết, xã Minh Hóa là vùng đất cằn, xưa nay người dân chỉ nghĩ đến việc trồng cây keo, cây tràm. Gia đình ông Trương Văn Trạng đã tiên phong chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả và thực tế cho thấy, cây phát triển tốt, ra trái quanh năm, mang lại thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Điều này sẽ giúp cho các hộ dân trong xã thay đổi tư duy làm kinh tế.
 
Hiện trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều hộ để vườn không, hoặc chỉ trồng các loại rau màu một vụ, chưa tận dụng hết nguồn lực để tăng thu nhập, xã sẽ chỉ đạo các hội đoàn thể giới thiệu hội viên đến thực tế tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình ông Trạng để khuyến khích bà con thay đổi nhận thức; đồng thời, tích cực hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, con giống khi đăng ký thực hiện mô hình vườn mẫu, phát triển trang trại, gia trại. 
 
Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)
 

tin liên quan

Kinh doanh "mùa đại dịch"
Kinh doanh "mùa đại dịch"

(QBĐT) - Lời cảm ơn chân thành của các khách hàng sau khi nhận túi hải sản tươi sống trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng được ví như "liều vitamin thượng hạng" để doanh nhân trẻ Trần Mạnh Thịnh (SN 1988, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Mai Thịnh) quyết định "liều" để tiếp tục duy trì công việc phân phối thủy hải sản.

"Luồng xanh" vận tải
"Luồng xanh" vận tải

(QBĐT) - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn GTVT và phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Giải pháp giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách
Giải pháp giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách

Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh đang tạo thuận lợi để các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19.