Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống

  • 11:09, 18/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ truyền thống được xem là một trong những kênh mua sắm quan trọng đối với đa số người dân. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 nếu như không thực hiện tốt các quy định phòng. chống dịch.  Do đó, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ hiện nay là rất cần thiết nhằm hạn chế, lây lan dịch bệnh. 
 
Ghi nhận của phóng viên tại chợ Đồng Hới, bắt đầu từ ngày 17-9, người dân tới mua sắm hàng hóa thiết yếu bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch của các tiểu thương, người dân khi đến mua sắm, Ban Quản lý chợ đã thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh, các quy định, giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động kinh doanh, buôn bán thông qua hệ thống loa truyền thanh tại chợ; tăng cường tuần tra, nhắc nhở và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người bán cũng như người mua.

Lực lượng Ban Quản lý chợ Đồng Hới kiểm tra, hướng dẫn người dân giữ khoảng cách khi thực hiện mua bán tại chợ.

Ban Quản lý chợ Đồng Hới kiểm tra, hướng dẫn người dân giữ khoảng cách khi thực hiện mua bán tại chợ.

Ông Đặng Vĩnh Liệu, Đội trưởng Đội quản lý chợ Đồng Hới cho biết: Khi một số phường trên địa bàn TP. Đồng Hới chuyển sang thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ thì xu hướng đi chợ của người dân ngày càng đông. Chính vì vậy, chúng tôi phải tăng cường lực lượng hướng dẫn cho tiểu thương cũng như người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Nếu như người dân tập trung đông hơn nữa thì chúng tôi sẽ thực hiện phương án phân luồng di chuyển cho người đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm; khuyến khích các tiểu thương kinh doanh hàng hóa không thiết yếu tạm thời nghỉ; phân chia ngày chẵn-lẻ cho tiểu thương đến chợ nhằm bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho người dân, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tại các chợ trong khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như chợ Ga (Nam Lý), chợ Bắc Lý…vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch được siết chặt hơn như: chỉ bán hàng hóa thiết yếu, người đến chợ phải xuất trình được các giấy tờ hợp lệ hoặc có phiếu đi chợ… Theo ghi nhận, người dân đến chợ đều chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Để không lãng phí phiếu đi chợ, nhiều tổ dân phố đã thực hiện phương án "đi chợ hộ" theo nhóm, tổ để hạn chế tối đa tiếp xúc gần khi tham gia mua bán tại chợ…

Tại chợ Ga (Nam Lý), các gian hàng được giăng dây giữ khoảng cách giữa khách hàng với người bán hàng theo quy định

Tại chợ Ga (Nam Lý), các gian hàng được giăng dây giữ khoảng cách giữa khách hàng với người bán hàng theo quy định

Chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương chợ Bắc Lý cho biết: Các hộ kinh doanh ở chợ đều chấp hành rất tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ để phòng, chống dịch bệnh Covid-10. Trong quá trình bán hàng, chúng tôi chủ động giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với khách hàng và nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách đúng quy định.

Tại huyện Bố Trạch, các chợ trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn đang tự ngừng hoạt động tạm thời. Còn các chợ truyền thống tại những xã áp dụng chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg đã hoạt động trở lại như Đại Trạch, Phú Định, Vạn Trạch, Hoàn Trạch, Đồng Trạch. Toàn huyện hiện có 16/20 chợ đang hoạt động, tập trung buôn bán các mặt hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, lượng người mua bán chỉ đạt khoảng 15-20% so với ngày thường và giá cả vẫn ổn định. Các chợ hoạt động đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch bệnh.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương): Để nâng cao mức phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, thời gian qua, Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các chợ trên địa bàn. Theo đó, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người làm việc cũng như người mua bán tại chợ; tại các cửa hàng, gian hàng phải có kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng và giữa các khách hàng với nhau theo quy định; tất cả các xe vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển để cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết; hướng dẫn cấp phiếu đi chợ cho các địa phương… Tuy nhiên, để duy trì và thực hiện tốt công tác này, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay hợp tác cũng như ý thức của mỗi người dân để góp phần sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. 
 
Toàn tỉnh hiện có 146 chợ đang hoạt động; trong đó, có 27 chợ thành thị và 119 chợ nông thôn. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vì thế mỗi người dân cần có ý thức tự giác bảo vệ chính mình; đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hộ tiểu thương cũng như người dân nhằm hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thanh Hoa
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Chuyện quản lý: Để không còn những chuyến xe "giải cứu" nông sản
Chuyện quản lý: Để không còn những chuyến xe "giải cứu" nông sản

(QBĐT) - Trên thực tế, những cách làm hay để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch bệnh chính là khởi nguồn cho các giải pháp tìm đầu ra bền vững, tránh tình trạng phải "giải cứu" khi được mùa, mất giá hay thiên tai, dịch bệnh.

Giữ màu xanh của tương lai
Giữ màu xanh của tương lai

(QBĐT) - Ẩn sau màu xanh trùng điệp của những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây huyện Quảng Ninh là lặng thầm dấu chân của lực lượng giữ rừng. Nhiều người trong số họ đã lặng lẽ, cần mẫn cống hiến gần cả tuổi xuân cho đại ngàn vì niềm đam mê với rừng. Dẫu phía trước còn bao bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc sống đời thường, nhưng với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ màu xanh cho tương lai…

Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Sinh ra, lớn lên từ một làng quê nghèo ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), anh Phan Thanh Sơn, sinh năm 1980 đã quyết tâm biến những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.