(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, những nét đẹp của các làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Trạch vẫn được người dân địa phương duy trì và gìn giữ. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các làng nghề đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn và cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Đến thôn Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) thăm làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Đông, nay đã 85 tuổi, có thâm niên 65 năm làm nghề sản xuất bánh tráng thủ công. Mỗi ngày, bà Đông làm được khoảng 300 chiếc bánh tráng.
Bà Đông tâm sự: “Tôi phải làm bánh để duy trì nghề truyền thống của ông cha cho con cháu. Khi nào tôi nhắm mắt xuôi tay không làm nữa thì sẽ có con, cháu tôi làm!”.
Ở làng nghề này, không chỉ có các cụ già mà những người đang ở độ tuổi lao động hay các em nhỏ cũng tham gia làm bánh với nhiều chủng loại đa dạng, như: Bánh mè xát, bánh cuốn rau, bánh cuốn ram….
Hiện nay, Tân An có hơn 200 hộ làm nghề bánh tráng, thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, đem lại cho bà con việc làm thường xuyên và nguồn thu ổn định.
Để nâng cao giá trị của sản phẩm, người dân Tân An đã ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã (HTX). Tháng 10-2010, chị Phan Thị Cẩm Tú đã thành lập HTX làng nghề bánh mè xát Tân An.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX thường xuyên mua nguyên liệu về chia cho xã viên và cũng là đầu mối thu mua sản phẩm bánh tráng của bà con, sau đó, đóng gói sản phẩm đem đi tiêu thụ ở các nơi khác. Với hàng chục nhân công lao động, HTX đã chế biến đủ tất cả các loại bánh.
“Nhờ sử dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại các khâu làm bánh đã bớt vất vả hơn so với cách làm thủ công trước kia. Tuy vậy, chất lượng vẫn được giữ nguyên để duy trì thương hiệu của làng nghề vốn có”, chị Tú chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực của người dân trong làng nghề, nhờ sự nhanh nhạy và có hướng đi đúng trong sản xuất, kinh doanh nên các sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình trong các năm 2016, 2018 và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2018.
![]() |
“Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, phát triển hộ kinh tế gia đình. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong làng nghề này giảm xuống dưới 1,53%. Đời sống kinh tế ổn định, người dân có điều kiện đóng góp về vật chất trong xây dựng NTM. Nhờ đó, các tiêu chí NTM của thôn được hoàn thành và chất lượng ngày càng cao hơn. Riêng xã Quảng Thanh đã cán đích NTM năm 2015 và đang nỗ lực xây dựng NTM nâng cao”, ông Ngô Minh Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thanh cho biết.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Quảng Trạch, làng nghề Xuân Hòa, xã Quảng Xuân có hơn 100 năm truyền thống làm nghề chế biến nước mắm. Hiện làng nghề có hơn 100 hộ tham gia, chế biến nước mắm và các sản phẩm khác. Nghề sản xuất nước mắm đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Mai Thanh Chức, cán bộ địa chính-nông nghiệp-xây dựng phụ trách phong trào xây dựng NTM xã Quảng Xuân cho biết: “Trong phong trào xây dựng NTM của xã Quảng Xuân, thôn Xuân Hòa đã đóng góp 4,1 tỷ đồng tiền mặt để làm đường giao thông nông thôn. Đây là một trong những thôn tích cực tham gia xây dựng NTM”.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp hội nông dân huyện Quảng Trạch đã đẩy mạnh phát động các hội viên, nông dân tích cực thi đua sản xuất; đồng thời, phát huy vai trò của làng nghề truyền thống gắn với việc nâng cao giá trị sản phẩm thông qua thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để tạo sức bật xây dựng NTM.
Có thể thấy, các làng nghề truyền thống đã và đang từng ngày đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế chung, cũng như hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch cho biết, nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, hội đã quan tâm, vận động hội viên nông dân duy trì và đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống; hỗ trợ hội viên ở các làng nghề vay vốn, tạo điều kiện để các làng nghề giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho nhiều hội viên, nông dân, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa của địa phương; đồng thời, kết hợp tinh hoa, kỹ thuật tiến bộ hiện đại để ứng dụng vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân ven bờ sông Gianh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn thêm giàu, đẹp.
Huyện Quảng Trạch hiện có 1 làng nghề truyền thống (làng nghề muối Phú Lộc) và nhiều làng nghề khác, như: Làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An, làng nghề nón lá Hà Tiến, làng nghề nước mắm Xuân Hòa... Các làng nghề này có khoảng 1.200 hộ tham gia sản xuất với các sản phẩm khác nhau, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Đặc biệt, những năm gần đây, các làng nghề đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. |
Minh Tuyết