(QBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định, Minh Hóa tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện khuyến khích, vận động người dân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây bản địa, qua đó, vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa làm giàu vốn rừng, bảo vệ môi trường…
Hiệu quả của một dự án
Chị Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa là tấm gương trong phong trào phụ nữ người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, chị Thoi là một trong những người đi đầu trong thực hiện chương trình trồng rừng phát triển kinh tế của huyện.
Năm 2010, Dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng (Dự án khu vực PN-KB) triển khai trồng rừng bằng giống cây bản địa (lim, trám) ở xã Trọng Hóa, chị Thoi là một trong những người tiên phong nhận đất trồng rừng cho dự án.
Đến nay, nhờ kiên trì chăm sóc, khu rừng lim và trám rộng gần 3ha của gia đình chị phát triển tốt. Theo chân chị Thoi vào thăm khu rừng, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một khu rừng tự nhiên với hàng trăm cây lim, trám thẳng tắp, cao hơn 10m đã bắt đầu khép tán.
Khu rừng trám của ông Bàn Văn Sơn (xã Hóa Sơn) hiện đã bắt đầu cho thu hoạch quả.
Cùng trồng rừng bằng giống cây bản địa do Dự án khu vực PN-KB hỗ trợ, hiện gia đình ông Bàn Văn Sơn ở xã Hóa Sơn đang sở hữu khu rừng trám và lim rộng gần 6ha, chẳng khác rừng tự nhiên là mấy. Hiện khu rừng của ông Sơn chuẩn bị cho thu hoạch sản phẩm phụ, như: Quả trám, nấm lim.
Theo ông Sơn, ngoài việc lấy gỗ, cây trám còn cho thu hoạch quả và nhựa. Quả trám có vị thơm, bùi, ngậy hấp dẫn có thể chế biến thành nhiều món ăn (trám kho, gỏi trám, xôi trám hoặc ngâm muối để ăn hàng ngày). Ở các tỉnh phía Bắc, quả trám đã trở thành đặc sản, được các bà nội trợ tìm mua với giá 140.000 đồng/kg. Còn cây lim, không chỉ là loại cây gỗ quý, lim còn sản sinh ra loài nấm lim có dược tính và giá trị kinh tế cao…
Ở các xã: Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Hóa Phúc, Hóa Hợp, Hồng Hóa…, nhiều hộ gia đình đã nhận trồng rừng bằng các giống cây bản địa cho Dự án khu vực PN-KB và mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao, như: ông Hồ Mi, Hồ Thắng, Hồ Đăm (Trọng Hóa), Phan Thanh Chương (Hóa Sơn), Đinh Quốc Đô (Tân Hóa), Đinh Minh Viện (Hồng Hóa)…
Được biết, từ năm 2008-2015, tại huyện Minh Hóa, Dự án khu vực PN-KB đã hỗ trợ bà con trồng cây lim xanh và trám, khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích gần 1.000ha tại 26 thôn, bản thuộc các xã: Thượng Hóa, Trung Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa. Trong đó, có trên 344ha rừng cây bản địa được trồng mới và hiện đang phát triển khá tốt.
Lợi ích "kép" từ trồng rừng bằng giống cây bản địa
Huyện miền núi Minh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong nhiều năm qua, huyện đã xác định trồng rừng kinh tế là một chương trình kinh tế trọng điểm; đồng thời, hỗ trợ người dân trồng rừng để phát triển kinh tế, làm giàu vốn rừng.
Nếu như trước đây, người dân Minh Hóa chỉ trồng rừng bằng các giống keo, tràm để lấy nguyên liệu gỗ dăm, thì từ năm 2017, tiếp nối từ những kết quả đạt được của Dự án khu vực PN-KB, huyện Minh Hóa tập trung tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng rừng bằng giống cây bản địa và trồng rừng gỗ lớn. Việc làm này bước đầu đã được sự hưởng ứng tích cực của người dân, bởi nó sẽ mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa bảo vệ tốt môi trường.
Huyện Minh Hóa đang hướng tới mục tiêu phủ xanh các cánh rừng bằng giống cây bản địa.
Hiện nay, nhiều giống cây rừng bản địa đã được người dân ở trong huyện và tỉnh gieo ươm thành công nên việc trồng rừng bằng các giống cây bản địa trở nên dễ dàng hơn. Cùng với việc tập trung chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn, lãnh đạo huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo chính quyền các xã khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, sau cơn bão số 10 năm 2017, nhiều diện rừng trồng nguyên liệu của xã bị gãy đổ, trong khi rừng trồng bằng giống cây bản địa thì vẫn vững vàng. Rút kinh nghiệm, khi phục hồi lại diện tích rừng bị gãy đổ, xã Trọng Hóa đã hỗ trợ và khuyến khích bà con trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như: Lim, trắc, trầm dó, trám, vàng tim…
Hiện trên địa bàn xã Trọng Hóa có nhiều hộ dân thực hiện mô hình trồng rừng bằng giống cây bản địa, bước đầu, cây phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, như: Ông Hồ Khiên (bản Dộ-Tà Vờng); ông Hồ Xi, Hồ Lan (bản Cha Cáp).
Đầu năm 2021, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hỗ trợ bản La Trọng 1 trồng 2,7ha rừng bằng giống cây dổi, hiện cây đã bén rễ, đang phát triển tốt. Hiện, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa cũng đang triển khai thực hiện hỗ trợ bản Dộ-Tà Vờng trồng hơn 2ha rừng bằng giống cây dổi. Cây dổi được xếp vào loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây dổi có thể thu hạt để làm gia vị, hiện trên thị trường 1kg hạt dổi có giá lên tới 3 triệu đồng, được ví như "vàng ròng"…
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, toàn huyện trồng 516ha rừng tập trung, trong đó, trồng lại sau khai thác 276ha, trồng mới 240ha, trồng 62.400 cây phân tán; chăm sóc tốt 3.424ha rừng đã trồng. Trong 7 tháng năm 2021, toàn huyện đã trồng mới 223ha rừng tập trung và hàng chục nghìn cây xanh các loại.
Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch và thực hiện trồng 831.000 cây xanh. Trong chương trình này, huyện cũng khuyến khích và huy động nhiều nguồn vốn để hỗ trợ người dân sử dụng cây giống bản địa để làm giàu vốn rừng. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cũng đang tham mưu cho UBND huyện kế hoạch sử dụng các giống cây bản địa để trồng dặm vào các vùng rừng thưa do khai thác và gió bão làm gãy đổ trước đây để tăng khả năng phòng hộ của rừng.
“Chúng tôi xác định trồng rừng bằng giống cây bản địa thì thời gian khai thác thường dài gấp đôi rừng trồng nguyên liệu bằng giống cây keo, tràm, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế lại cao gấp vài chục lần. Trồng rừng cây bản địa không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho bà con mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên do nạn khai thác rừng bừa bãi. Ngoài ra, trồng rừng bằng giống cây bản địa cũng để lại cho mai sau những cánh rừng tự nhiên như vốn có…”, bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa chia sẻ.
(QBĐT) - Sau khi TP. Đồng Hới áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa phần người dân chấp hành nghiêm túc "ai ở đâu ở đó", không ra khỏi nhà. Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa thiết yếu đến tận nhà cho người dân vẫn gặp trở ngại, mặc dù hàng hóa trên địa bàn thành phố dồi dào, bảo đảm.
(QBĐT) - Chăn nuôi được huyện Quảng Trạch xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì vậy, huyện đã khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
(QBĐT) - Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện các dự án, công trình trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) là một trong những sách lược được TX. Ba Đồn triển khai đồng bộ trong những năm qua.