Doanh nghiệp khởi nghiệp vượt khó trong đại dịch

  • 07:09, 25/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đặc biệt, với các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, đại dịch như một “phép thử sống còn” để mạnh dạn với những đổi mới, tìm ra hướng đi thích nghi với thực tế và tiếp tục phát triển. Trong hành trình này, những bạn trẻ rất cần sự liên kết và tiếp sức từ nhiều phía.
 
Cuối tháng 8-2021, anh Nguyễn Văn Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Nhị Nguyễn (Quảng Thạch, Quảng Trạch) khai trương nhà hàng Mẹt Gà Nhị Nguyễn. Và chỉ mấy ngày sau, khi dịch Covid-19 bùng phát, TP. Đồng Hới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo tâm sự của anh Nguyễn Văn Nhị, đó là những ngày “thử thách bản lĩnh”, khó khăn bộn bề bởi nhà hàng vừa khai trương đã phải đóng cửa, chưa kịp thu hút khách, trong khi đó, gánh nặng về chi phí mặt bằng, nhân công, nguyên liệu chế biến… không hề giảm bớt.
 
Đầu tư hơn 200 triệu đồng, anh Nhị phải vất vả tìm cách duy trì hoạt động của nhà hàng để kịp thời phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Với lợi thế thương hiệu gà đồi sinh học hữu cơ Nhị Nguyễn đã tạo được uy tín, đầu vào sản phẩm được giải quyết, anh chuyển hướng sang bán hàng online, tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của nhà hàng.
 
Nhờ đó, trong những ngày giãn cách, nhà hàng tiêu thụ trên dưới 10 con gà mỗi ngày, tạm thời “nhẹ bớt” nỗi lo chi phí.
 
Tuy nhiên, do khó khăn về khâu vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội, nên gà ở trang trại khó tiêu thụ, nhiều chi phí bị đội lên cao. Hiện tại, từ 10.000 con gà thả nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại giảm chỉ còn từ 4.000-5.000 con.
 
Anh Nhị chia sẻ, hiện nay, anh vẫn nỗ lực duy trì mô hình sản xuất khép kín, từ trang trại đến bàn ăn của mình, bảo đảm yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững chuỗi liên kết cho sản phẩm gà đồi sinh học Nhị Nguyễn.
 
Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn vốn vay từ phía ngân hàng, do đó, anh Nhị mong muốn sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất vay, giãn nợ… để có nhiều cơ hội phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Vừa mới khai trương, nhà hàng của anh Nguyễn Văn Nhị ở TP. Đồng Hới đã phải tạm đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát.
Vừa mới khai trương, nhà hàng của anh Nguyễn Văn Nhị ở TP. Đồng Hới đã phải tạm đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát.
Đối với anh Trần Mạnh Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mai Thịnh (TP. Đồng Hới), đợt thành phố thực hiện giãn cách xã hội là cơ hội để anh đánh giá lại hoạt động chuỗi phân phối hải sản của công ty, nhìn nhận những mặt hạn chế để có sự khắc phục kịp thời trong tương lai.
 
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để công ty mạnh dạn triển khai những hướng đi mới thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
 
May mắn, trong thời gian giãn cách xã hội, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng, có ngày lên đến hơn 1.000 đơn, để xử lý số lượng đơn hàng “khủng” này, bên cạnh đội ngũ nhân viên chủ chốt, công ty phải thuê thêm nhân viên thời vụ, thậm chí có giai đoạn thuê tới 20 nhân công/ngày. Khối lượng công việc lớn khiến việc quản lý theo sát các đơn hàng gặp nhiều khó khăn, đây là điều anh Thịnh rút ra nhiều kinh nghiệm, bài học trong quá trình quản lý của mình.
 
Dù hàng hóa thủy sản nhập về nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì “bán hàng bình ổn”, “giá tại biển” để hỗ trợ người dân trong đại dịch. Ngoài ra, công ty cũng chung tay cùng các tổ chức, đoàn thể thường xuyên hỗ trợ thủy sản cho các khu cách ly, các trường học… trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Anh Thịnh tâm sự: “Một doanh nghiệp muốn bền vững, đi đường dài, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận cần có cái tâm và tinh thần vì cộng đồng”.
 
Hiện tại, công ty đang duy trì 1 đại lý ở TP. Đồng Hới và 1 đại lý ở xã Thanh Trạch  (Bố Trạch), sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, công ty sẽ mở thêm 1 gian hàng giới thiệu sản phẩm ở TP. Đồng Hới.
 
Bên cạnh tiếp tục phát triển chuỗi phân phối sản phẩm thủy sản chất lượng cao, công ty sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá chình, tiến tới đầu tư sản phẩm OCOP, hướng tới thị trường tiềm năng, trong đó có xuất khẩu-“giấc mơ” của anh Thịnh từ những ngày đầu khởi nghiệp.
 
Anh Đậu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho hay, đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trẻ Quảng Bình, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
 
Ngoài các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (ẩm thực, thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi…) vẫn nỗ lực duy trì hoạt động trong điều kiện cho phép, hầu hết các doanh nghiệp trẻ đều đóng cửa theo quy định phòng, chống dịch bệnh.
 
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực không ngừng để thích ứng, đối phó hoặc chuẩn bị kịch bản để hồi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh kiểm soát tốt. Mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp trẻ hiện nay là vấn đề về vốn.
 
Do đó, họ rất mong ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, tạo cơ hội để các doanh nghiệp trẻ tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, được “tiếp sức” nhằm tiếp tục duy trì, ổn định sản xuất. Sau khi được hỗ trợ về vốn, phía các doanh nghiệp trẻ cũng sẽ có những đổi mới tích cực, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạch định lại kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
 
Mai Nhân
 
 
 

tin liên quan

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19

(QBĐT) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân. Nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, ngành Ngân hàng Quảng Bình đã đồng loạt thực hiện các chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, cho vay ưu đãi...

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng

(QBĐT) - Theo Sở Công thương, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid nhưng sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% và giá trị sản xuất tăng 6,2%.

Quảng Ninh: Kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Quảng Ninh: Kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

(QBĐT) - Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, huyện Quảng Ninh đã và đang nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng do dịch Covid-19.