(QBĐT) - Quảng Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong điều kiện vừa phải dồn toàn lực khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử năm 2020, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Trong khó khăn, cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã vào cuộc đầy trách nhiệm, nhờ vậy, tỉnh vẫn đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, với sự tập trung lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Bình đang phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu; nhiều hoạt động đối ngoại của tỉnh bị gián đoạn; hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao bị hoãn, hủy, lùi thời gian tổ chức; học sinh, sinh viên phải nghỉ học theo tình hình dịch ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, một số dự án động lực chưa thể đi vào hoạt động; nhiều dự án triển khai chậm tiến độ; nợ đọng thuế còn cao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Đáng chú ý, trước sự bùng phát trở lại với tính chất rất phức tạp của dịch Covid-19, sau một thời gian dài tỉnh ngăn chặn thành công thì nay dịch đã xâm nhập vào địa bàn, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đi kiểm tra công tác bảo đảm cung ứng lương thực thực, thực phẩm trong điều kiện dịch Covid-19, ở siêu thị Co.opmart Quảng Bình.
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo những giải pháp kịp thời, quyết liệt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 7 tháng năm 2021 đạt được kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 5,65%; nông nghiệp được mùa toàn diện, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt kế hoạch, tăng 4,54%; công nghiệp phát triển ổn định và tăng khá so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7%. Một số dự án đầu tư mới hoàn thành đang phát huy hiệu quả góp phần tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân cơ bản ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Đáng mừng là trong điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn nhưng công tác thu ngân sách của tỉnh đạt khá, vượt tiến độ dự toán giao và tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho viết: Đến hết tháng 7, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.183 tỷ đồng, bằng 95% so với dự toán Trung ương giao, bằng 77% dự toán địa phương giao, bằng 134% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Có 12/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ (58%) dự toán cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 3.659 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 524 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các ngành, các cấp về điều hành chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt, sử dụng ngân sách triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản không cần thiết, ưu tiên mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương bạn và nước bạn Lào, đặc biệt triển khai hỗ trợ bà con nhân dân Quảng Bình lao động, học tập tại phía Nam bị ảnh hưởng do đại dịch nhanh chóng, hiệu quả.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và hậu quả của lũ lụt năm 2020, nhưng hầu hết các địa phương trên địa bàn đều tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Chúng tôi xác định rõ những khó khăn đối với cả tỉnh và đối với huyện để từ đó triển khai sớm, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp. Trong điều kiện vừa ổn định, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Nhờ vậy, tình hình kinh tế-xã hội của huyện có nhiều chuyển biến, thu ngân sách vượt hơn 11% so với dự toán tỉnh giao”.
TP. Đồng Hới nhìn từ trên cao.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, có thể nói đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với tỉnh nhà trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm 2021. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã phát biểu: “Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, sự hỗ trợ, chia sẻ của các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra”.
Theo đó, vấn đề trọng tâm và ưu tiên nhất của tỉnh vẫn là triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; phải bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân, sớm đưa tỉnh ta trở về trạng thái “bình thường mới” để người dân ổn định đời sống, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; triển khai tốt công tác tiêm vắc- xin phòng Covid-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Tiếp đó là quyết liệt thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư công theo đúng quy định, với mục tiêu đến ngày 31-12-2021 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất của tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, tạo sự gia tăng về giá trị sản xuất, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, quyết liệt cải cách hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tập trung giải quyết hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn và quyết liệt hơn, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh trật tự; hoạt động xuất nhập cảnh; công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
“Mục tiêu hiện nay của tỉnh là kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, ổn định an ninh chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các nguồn lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh.
(QBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định, Minh Hóa tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện khuyến khích, vận động người dân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây bản địa, qua đó, vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa làm giàu vốn rừng, bảo vệ môi trường…
(QBĐT) - Sau khi TP. Đồng Hới áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa phần người dân chấp hành nghiêm túc "ai ở đâu ở đó", không ra khỏi nhà. Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa thiết yếu đến tận nhà cho người dân vẫn gặp trở ngại, mặc dù hàng hóa trên địa bàn thành phố dồi dào, bảo đảm.
(QBĐT) - Chăn nuôi được huyện Quảng Trạch xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì vậy, huyện đã khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.