"Chạy đồng" vượt lũ... cứu lúa

  • 06:09, 09/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ hè-thu này, huyện Quảng Ninh gieo cấy trên 3.470 ha lúa. Đến cuối ngày 9-9, có khoảng 80% diện tích thu hoạch xong. Một số diện tích còn lại ở các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, An Ninh…do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên bị chậm tiến độ. Những ngày này, tỉnh ta xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Cùng với nông dân toàn tỉnh, người dân Quảng Ninh đang tranh thủ “chạy đồng” vượt lũ, cứu lúa hè-thu.
 
Được mùa… lại lo ngập lụt
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho biết: “Vụ hè-thu này, Tân Ninh gieo cấy 391 ha lúa. Theo đánh giá, đây là một vụ mùa vượt trội với dự ước năng suất 52,24 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.042 tấn. Do thực hiện nghiêm việc giản cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên tiến độ thu hoạch bị chậm lại. Hiện, toàn xã còn gần 24 ha lúa hè-thu chưa thu hoạch kịp, trong đó 15,5 ha bị ngập nặng, tập trung tại các thôn Thế Lộc, Hữu Tân”.
 
Để giúp bà con nông dân hạn chế thiệt hại lúa hè-thu trên các chân ruộng trũng thấp do mưa lũ, UBND xã Tân Ninh huy động máy bơm để bơm tiêu nước; đồng thời, động viên bà con tranh thủ thời gian “chạy đồng” cứu lúa. “Mưa lớn kéo dài, đồng ruộng ngập nước, lúa bổ rạp trong nước… vì thế máy gặt không thể xuống đồng được. Người dân có sự tiếp sức từ lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân cơ động… tiến hành gặt tay chạy lũ”- ông Nguyễn Văn Hoan chia sẻ thêm.
 
Xã An Ninh, vựa lúa lớn nhất huyện Quảng Ninh với diện tích lúa hè-thu lên đến 828,5 ha; trong đó hơn 1/2 diện tích tập trung tại 2 thôn Hoành Vinh (265 ha) và Thống Nhất (245 ha).
Nông dân xã Tân Ninh “chạy đồng” cứu lúa hè-thu.
Nông dân xã Tân Ninh “chạy đồng” cứu lúa hè-thu.
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Đây là vụ hè-thu nhiều “kỷ lục” của xã khi diện tích tăng thêm 40 ha chứ không bị sụt giảm như mọi năm (các thôn Thống Nhất tăng 25 ha, Hoành Vinh tăng 15 ha). Năng suất bình quân đạt 59,47 tạ/ha; sản lượng ước trên 4.927 tấn, tăng hơn 643 tấn so với vụ hè-thu năm trước. Kỷ lục về năng suất có thể kể đến thôn Hoành Vinh với 58 tạ/ha, Kim Nại 60,66 tạ/ha, đặc biệt thôn Thống Nhất đạt đến 61,8 tạ/ha. Về cơ bản các thôn trong xã đã thu hoạch xong, riêng Thống Nhất và Hoành Vinh mỗi đơn vị còn khoảng 25 ha. Số diện tích lúa này hiện tại bị ngập nước nặng”.
 
Xã Hàm Ninh là địa phương có diện tích lúa hè-thu chưa thu hoạch lớn nhất huyện Quảng Ninh đến thời điểm này. Theo ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân thu hoạch chậm vì Hàm Ninh ở địa bàn cuối nguồn nước Rào Đá.
 
Quá trình triển khai sản xuất vụ hè-thu bị thiếu nước nghiêm trọng, gieo sạ chậm mất 15 ngày so với kế hoạch chung của huyện. Khi lúa gieo xong, đến thời kỳ chăm sóc, tỉa dặm lại tiếp tục thiếu nước, muộn thêm 15 ngày nữa. Tổng cộng, vụ hè-thu ở Hàm Ninh chậm thời gian mất 1 tháng.
 
“Tính ra nếu bảo đảm thời gian thì đến 5-9, Hàm Ninh thu hoạch xong lúa hè-thu. Nhưng đến nay mới gặt được 100 ha trong tổng số diện tích 328 ha. Dự kiến đến 20-9, xã mới hoàn thành. Mưa lớn trên diện rộng đã làm cho trên 60 ha lúa bị ngập, gãy đổ”- ông Hưng cho biết thêm.
 
Lội lũ… cứu lúa
 
Trong ngày 9-9, mặc dù mưa rất lớn do ảnh hưởng của cơn bão Côn Sơn, chính quyền xã và bà con nông dân các địa phương nói trên vẫn ra đồng, chạy đua cùng thời gian, quyết tâm thu hoạch lúa hè-thu.
 
Tại cánh đồng các thôn Hữu Tân, Thế Lộc (Tân Ninh), chúng tôi bắt gặp rất nhiều bà con “đội mưa”, lội nước, cứu lúa. Vuốt nước mưa trên gương mặt đầy lo âu, ông Lê Đình Thuần trao đổi nhanh: “Chắc chắn những ngày tới mưa tiếp tục lớn, nên bà con phải tranh thủ từng giờ, từng phút chạy đồng gặt lúa thôi. Được cái ấm lòng khi nông dân chúng tôi vận động giúp nhau trong thời điểm dịch dã, thiên tai này. Cứ huy động nhân lực, hôm nay giúp nhà này, ngày mai đến gia đình khác. Quyết tâm cứu lúa về nhà”.
Diện tích lúa hè thu tại thôn Thống Nhất chìm trong mênh mông nước.
Diện tích lúa hè-thu tại thôn Thống Nhất chìm trong mênh mông nước.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (HTX Thống Nhất) đang đội mưa cùng xã viên HTX “cứu lúa” trên cánh đồng nước đã tràn bờ. Ông Viên cho biết: “Đến hết ngày 1-9, HTX thu hoạch xong 200 ha. Do mưa lớn, đã có 35 ha lúa bị gãy đổ. Hiện tại còn 25 ha ngập nặng, nguy cơ mất trắng”.
 
Để giúp dân cứu lúa hè-thu, HTX Thống Nhất đã vận hành trạm bơm công suất 4.200 m3/ngày đêm bơm tiêu nước, hoạt động liên tục từ ngày 27-8. Tuy nhiên vì mưa lớn, nước tràn qua đường liên xã Tân-An-Vạn đổ về cánh đồng Thống Nhất có địa hình thấp trũng nên nhấn chìm số diện tích lúa hè-thu còn lại.
 
Gia đình ông Nguyễn Đức Toản gieo sạ hơn 2 ha lúa. “Nhìn thấy lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao, bà con ai cũng mừng. Vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tiếp đến là lũ lụt, việc thu hoạch bị chậm lại. Giờ lúa ngập nước, nên dù thu hoạch xong thì năng suất, sản lượng, chất lượng giảm đáng kể”- ông Toàn chia sẻ.
 
Cũng như gia đình ông Toản, nhiều hộ dân khác ở thôn Thống Nhất như Lê Văn Phong, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Xoài, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Đại Điềm… đều có diện tích lúa hè-thu lớn, bình quân từ 1,5 ha đến 2 ha và còn một phần diện tích chưa thu hoạch kịp phải đội mưa “chạy đồng”. “Vì lúa bị ngập, gãy đổ nên gặt bằng tay, giá thuê nhân công cao. Xem ra nông dân chúng tôi tưởng được mùa, hóa ra bị lỗ nhiều hơn”- bà Nguyễn Thị Thúy chia sẻ nỗi niềm.
 
Ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất trao đổi: “Nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giá chỉ 115 nghìn đồng/sào; tỷ lệ rơi vãi khoảng 8 đến 10%; chi phí vận chuyển về nhà 30 nghìn đồng/sào. Hiện tại, bà con gặt lúa chạy lũ bằng tay, giá thuê một nhân công 400 nghìn đồng/ngày; công vận chuyển 100 nghìn đồng; công tuốt lúa 100 nghìn đồng cộng với tỷ lệ thất thu từ 25 đến 35%... giá lúa lại rớt xuống thấp, còn 5.700 đồng/kg. Xem ra, nhiều gia đình có diện tích lúa hè-thu bị ngập lụt thu sẽ không đủ bù chi”.

* Một số hình ảnh nông dân Quảng Ninh vượt lũ cứu lúa:

Diện tích lúa hè thu tại xã Hàm Ninh bị ngập do chậm tiến độ so với kế hoạch sản xuất của huyện.
Diện tích lúa hè-thu tại xã Hàm Ninh bị ngập do chậm tiến độ so với kế hoạch sản xuất của huyện.
Nông dân xã Tân Ninh “chạy đồng” cứu lúa hè-thu.
Nông dân xã Tân Ninh “chạy đồng” cứu lúa hè-thu.
HTX Thống Nhất huy động máy xúc nạo vét cống rảnh tiêu nước, cứu lúa.
HTX Thống Nhất huy động máy xúc nạo vét cống rảnh tiêu nước, cứu lúa.
Vận chuyển lúa hè-thu.
Vận chuyển lúa hè-thu.

 Thanh Long-Thanh Hải

 
 
 

tin liên quan

Tuyên Hóa: Nhiều địa phương loay hoay lựa chọn sản phẩm OCOP
Tuyên Hóa: Nhiều địa phương loay hoay lựa chọn sản phẩm OCOP

(QBĐT) - "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình nhằm thay đổi cách thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, không phải xã nào cũng thuận lợi trong việc lựa chọn sản phẩm, đơn cử như tại huyện miền núi Tuyên Hóa, hiện nhiều địa phương vẫn còn "loay hoay" chưa xác định được sản phẩm phù hợp và hiệu quả.

Minh Hóa: Trồng dặm hơn 50 nghìn cây giống lim, dổi ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh
Minh Hóa: Trồng dặm hơn 50 nghìn cây giống lim, dổi ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh

(QBĐT)-Ngày 8-9, ông Đinh Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Minh Hóa cho biết, đơn vị đang triển khai trồng dặm 50 nghìn (50 ha) cây giống lim, dổi vào các vùng rừng thưa ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh để phục hồi rừng, tăng khả năng phòng hộ.

Gần 10.000 tấn thủy hải sản được thu hoạch trước mưa bão
Gần 10.000 tấn thủy hải sản được thu hoạch trước mưa bão
(QBĐT) - Ngày 8-9, thông tin từ Chi cục Thủy sản , Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, để kịp thời ứng phó với mưa bão, các hộ nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh đã khẩn trương thu hoạch gần 10.000 tấn thủy hải sản.