(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chủ động nguồn ngân sách dự phòng, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch chi ngân sách để ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính xung quanh nội dung này.
Phóng viên (P.V): Trước hết, ông có thể đánh giá khái quát về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Bình từ đầu năm đến nay?
Ông Bùi Mạnh Cường: Năm 2021, dự toán Trung ương giao thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là hơn 4.393 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao hơn 5.428 tỷ đồng. Quảng Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ 7 tháng năm 2021 trong điều kiện vừa khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, vừa đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh Covid-19 kéo dài và bất ngờ bùng phát, tác động xấu đến tình hình kinh tế-xã hội, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan Thuế nên kết quả thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng năm 2021 vượt tiến độ dự toán giao và tăng so với cùng kỳ.
Trong điều hành chi ngân sách, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các ngành, các cấp về điều hành chi NSNN bảo đảm chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt, sử dụng ngân sách triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản không cần thiết, ưu tiên mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
P.V: Điều tiết ngân sách để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một chủ trương được Nhà nước cũng như các địa phương triển khai quyết liệt trong thời gian qua, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nội dung này như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Mạnh Cường: Ngay từ đầu năm, Sở Tài chính đã chủ động dành riêng 50% nguồn dự phòng ngân sách và 70% quỹ dự trữ tài chính để tạo nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Tổng nguồn lực từ ngân sách cho chống dịch toàn tỉnh đầu năm là 155 tỷ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã chi sử dụng hết 28 tỷ, chủ yếu sử dụng mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm và một số vật tư y tế khác.
Hiện nay, nguồn lực chống dịch còn lại ở 3 cấp ngân sách là 127 tỷ, trong đó ngân sách tỉnh là 77 tỷ (nguồn dự phòng còn lại 23 tỷ và quỹ dự trữ tài chính là 53 tỷ) và ngân sách huyện, xã là 50 tỷ. Tỉnh đang triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, sau khi triển khai nội dung này, nguồn lực kinh phí cho phòng, chống dịch còn lại sẽ rất hạn chế.
Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa cần thiết để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch; cắt giảm 50% chi phí đại hội, hội nghị, khánh tiết và thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên dự toán còn lại (đến ngày 30-6) của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách các cấp, tổng số tiền tiết kiệm được hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Tài chính đã hướng dẫn các địa phương rà soát lại nguồn dự phòng ngân sách các cấp, bảo đảm không sử dụng nguồn dự phòng để chi các nhiệm vụ không cần thiết, ưu tiên dành nguồn để thực hiện các chính sách liên quan đến Covid-19.
![]() |
P.V: Trước mắt, để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Sở Tài chính sẽ tập trung các giải pháp nào?
Ông Bùi Mạnh Cường: Để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19 (Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ), Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Trong đó, quy định rõ tỷ lệ phần trăm hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và tỷ lệ phần trăm ngân sách huyện phải bảo đảm. Điều này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh, đồng thời tăng tính trách nhiệm, chủ động ngân sách cấp dưới.
Đối với ngân sách tỉnh, trước mắt, trích từ nguồn dự phòng ngân sách, trong trường hợp nguồn quỹ dự phòng không bảo đảm thì Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh sử dụng nguồn dự trữ tài chính để tiếp tục chi.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn phát sinh phức tạp hơn thì Sở Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xin điều chỉnh dự toán, đề xuất cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết để tập trung nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch.
P.V: Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung các giải pháp quản lý ngân sách như thế nào để bảo đảm vừa thực hiện “mục tiêu kép” vừa hoàn thành kế hoạch năm 2021?
Ông Bùi Mạnh Cường: Hiện nay, cả nước đều tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch. Kiểm soát dịch bệnh tốt thì mới phát triển được kinh tế-xã hội; vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế để có thêm nguồn lực chống dịch.
Để góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, bên cạnh việc phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn kiểm soát tốt dịch bệnh, chi trả kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, ngành Tài chính đã đề ra các giải pháp điều hành hiệu quả dự toán tài chính NSNN và đặt ra mục tiêu giữ vững cân đối NSNN trong năm 2021 trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp.
Sở Tài chính tiếp tục cùng với Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kịch bản quản lý, điều hành ngân sách, trong đó, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến khả năng thu NSNN; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, phân tích, đánh giá cụ thể từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng sắc thuế để thực hiện việc khai thác có hiệu quả các nguồn thu.
Tiếp tục tham mưu điều hành ngân sách linh hoạt, chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; quản lý chặt chẽ, chi trong phạm vi dự toán được giao. Bảo đảm các nhiệm vụ chi về lương, phụ cấp, chi cho con người, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành theo dự toán được giao; rà soát bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chế độ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, đây là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2021 của tỉnh.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Trong 7 tháng năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.183 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 3.659 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 524 tỷ đồng. Có 12/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán cả năm. |
A.Tuấn
(thực hiện)