Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão 2021

  • 08:08, 14/08/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo dự báo của ngành chức năng, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bước vào mùa mưa bão năm 2021, huyện Minh Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, chủ động phòng tránh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…
 
Đẩy mạnh thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai
 
Là một huyện miền núi rẻo cao ở phía Tây của tỉnh, địa hình chia cắt bởi khe suối nên huyện Minh Hóa có nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét, lốc xoáy và hiện tượng sạt lở ở hai bờ sông suối, các triền đồi núi gây tổn thất về tài sản và tính mạng của người dân. Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường.
 
Đơn cử, trận lũ lịch sử tháng 10-2020 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với huyện Minh Hóa, đặc biệt là các xã bị ngập sâu, như: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa và các xã ở vùng sạt lở, chia cắt, như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn...
 
Trận lũ đã làm 4 người chết; gần 2.000 ngôi nhà bị ngập sâu; hơn 80 con trâu, bò, 2.000 con gia cầm bị chết; nhiều diện tích cây hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học…bị sạt lở, hư hỏng; ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, trận lũ cũng đã gây ra sạt lở đất nghiêm trọng ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, khiến 34 hộ với 132 khẩu phải di dời khẩn cấp.
 
Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2021, huyện Minh Hóa đã triển khai sửa chữa, gia cố các công trình trọng yếu; đồng thời, khắc phục kịp thời các sự cố mà mùa mưa bão trước gây ra.
Khu tái định cư bản Cha Lo, xã Dân Hóa vừa hoàn thành, 34 hộ dân vùng sạt lở chuẩn bị được ở trong những căn nhà khang trang, an toàn.
Khu tái định cư bản Cha Lo, xã Dân Hóa vừa hoàn thành, 34 hộ dân vùng sạt lở chuẩn bị được ở trong những căn nhà khang trang, an toàn.
Hiện trên địa bàn huyện có 2 công trình cấp bách về phòng chống thiên tai đang được huyện gấp rút hoàn thành, đó là, công trình xây dựng khu tái định cư cho 34 hộ dân ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa và xây dựng nhà phao cho các hộ dân ở xã Minh Hóa.
 
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, đến thời điểm này, công trình khu tái định cư bản Cha Lo đã cơ bản hoàn thành, 34 hộ dân chuẩn bị  vào ở trong những căn nhà mới khang trang, an toàn. Công trình khu tái định cư bản Cha Lo được quy hoạch với diện tích 4,7ha, nằm đối diện với Di tích lịch sử Cổng Trời, trên tuyến Quốc lộ 12A. Theo thiết kế, mỗi ngôi nhà có diện tích khoảng 50m2, trụ đổ bê tông, tường xây bằng gạch, mái lợp tôn chống nóng, tổng trị giá mỗi căn nhà là 150 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng của huyện Minh Hóa.
 
Những năm qua, cùng với các biện pháp ứng phó hiệu quả trước thiên tai, huyện Minh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân trong cả nước giúp đỡ người dân 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa làm hàng trăm ngôi nhà phao tránh lũ. Trong trận lũ tháng 10-2020, xã Tân Hóa có 550 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1,5 đến 3m. Vậy nhưng ở vùng “rốn lũ” này, người dân vẫn sống an toàn nhờ những căn nhà phao chống lũ.
 
Trong khi đó, tại xã Minh Hóa, trận lũ lịch sử cũng làm 500 ngôi nhà của địa phương này ngập sâu. Tuy nhiên, ở xã Minh Hóa số lượng nhà phao để tránh lũ vẫn còn rất ít. Bà Cao Thị Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết, từ đó đến nay, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ xây dựng 142 ngôi nhà phao tránh lũ tặng người dân vùng lũ xã Minh Hóa.
 
“Với vùng “rốn lũ” Minh Hóa, nhà chống lũ từ lâu đã được xem là phao cứu sinh, người dân có thể bám trụ, an tâm sinh sống, chủ động ứng phó khi có lũ về. Tuy nhiên, tại xã Minh Hóa hiện vẫn còn nhiều hộ dân vì điều kiện khó khăn chưa thể làm nhà phao để thoát khỏi nỗi lo âu, thấp thỏm khi lũ về. Vì vậy, chính quyền và người dân xã Minh Hóa tiếp tục kêu gọi và mong muốn các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm giúp đỡ kinh phí hỗ trợ người dân Minh Hóa có thêm những ngôi nhà phao tránh lũ”, bà Hoài chia sẻ.
 
Xây dựng nhiều phương án ứng phó
 
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2021, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Minh Hóa đã sớm xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều phương án ứng phó. Trong đó, huyện rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn.
 
Cùng với đó, huyện Minh Hóa kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN có khả năng huy động lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Trong đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn gồm: Lực lượng quân sự có 107 người; công an 168 người; bộ đội biên phòng (3 đồn đóng trên địa bàn: Cà Xèng, Cha Lo, Ra Mai) có 216 người và lực lượng cơ quan, đoàn thể cấp huyện có 86 người. Các lực lượng được trang bị phương tiện hiện đại, bảo đảm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn… Đặc biệt, huyện Minh Hóa chú trọng thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng hợp lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất có trên địa bàn để chủ động thực hiện công các cứu nạn, cứu hộ ở nơi xung yếu, trong các tình huống cấp bách…
Nhà phao ở xã Tân Hóa và xã Minh Hóa là mô hình hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Nhà phao ở xã Tân Hóa và xã Minh Hóa là mô hình hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Minh Hóa đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể khả năng ảnh hưởng do bão lụt đến từng hộ gia đình. Qua đó, xây dựng phương án để bảo vệ, ứng cứu kịp thời và di chuyển dân, gia súc ra khỏi những vùng có nguy cơ cao; đặc biệt là các vùng thấp trũng như các xã: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa và các vùng có nguy cơ sạt lở đất cao như: Thôn 1 Thanh Long, thị trấn Quy Đạt; các xã: Hồng Hóa,Dân Hóa, Trung Hóa…
 
Khi xảy ra mưa lũ, đối với các xã thường xuyên ngập sâu, như: Tân Hoá, Thượng Hóa, Minh Hóa và các vùng bị chia cắt, như: Vùng đồng bào Rục (xã Thượng Hóa), 7 bản vùng trong (xã Trọng Hóa), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện sẽ bố trí lực lượng và phương tiện để phục vụ vận chuyển người, lương thực, thuốc chữa bệnh cho người dân. Chính quyền địa phương cũng quán triệt người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh bảo đảm từ 10 ngày trở lên, để tránh hiện tượng thiếu đói và dịch bệnh trong thời gian xảy ra thiên tai.
 
“Với sự chủ động và chuẩn bị chu đáo, cùng với việc phát huy cao hơn nữa phương châm “4 tại chỗ”, công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện Minh Hóa sẽ đạt kết quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2021”, ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ.
 
Phan Phương
 
 
 

tin liên quan

Quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội
Quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Quảng Ninh từng bước đi vào nền nếp; quỹ đất được phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Gần 117.000 tỷ đồng tiền nợ thuế: Có hay không sự buông lỏng kiểm tra, giám sát?
Gần 117.000 tỷ đồng tiền nợ thuế: Có hay không sự buông lỏng kiểm tra, giám sát?

Trong khi nguồn thu ngân sách đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7-2021 lên tới 116.891 tỷ đồng, số nợ đọng thuế có nguy cơ mất trắng là 25.294 tỷ đồng.

Ưu tiên tạo "luồng xanh" để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm
Ưu tiên tạo "luồng xanh" để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm

Ưu tiên tạo "luồng xanh" để đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vẫn là những giải pháp đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện.