Tăng cường vận động người Việt ưu tiên hàng Việt trong mùa dịch
02:07, 08/07/2021
(QBĐT) - Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy phát triển thị trường nội địa gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch.
Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực khi phần lớn người tiêu dùng có thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt, nhất là ở vùng nông thôn.
Không chỉ cá nhân, hộ gia đình, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh cũng ưu tiên mua sắm, sử dụng trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu, uy tín trong nước. Việc làm thiết thực này đã góp phần giúp các doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế và an sinh xã hội.
Đặc biệt, các chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước để cung ứng tới người tiêu dùng, trong đó, duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ ở mức cao từ 85-90%.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động nhiều về giá, hàng hóa ở siêu thị khá dồi dào, đủ loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Siêu thị Vinmart Quảng Bình luôn duy trì khoảng trên 6.000 mặt hàng các loại, trong đó, hàng Việt Nam chiếm phần lớn. Để tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước đến tay người tiêu dùng, siêu thị đã cơ cấu lại các kệ hàng nhằm ưu tiên hàng hóa trong nước, đặc biệt ưu tiên nông sản sạch.
Qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất, hộ nông dân vượt qua khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Ông Phạm Thanh Mai, Giám đốc Siêu thị Vinmart Quảng Bình cho biết: "Ưu điểm của hàng Việt là có chất lượng ngày càng cao, giá cả phải chăng, có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm và lựa chọn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, siêu thị đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng bảo đảm đầy đủ, phong phú và cam kết mức giá ổn định. Đồng thời, siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích sức mua trong mùa dịch, góp phần đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng".
Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm ưu thế ở siêu thị Vinmart Quảng Bình.
Đáng chú ý, các mặt hàng trong tỉnh cũng được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn ưu tiên tiêu thụ. Tại các cửa hàng của An Nông Farm có gần 100 mặt hàng nội tỉnh là sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu được bày bán và được người tiêu dùng tin dùng, như: nước mắm Xuân Hồng, bánh tráng Tân An, nấm Tuấn Linh, miến Sông Son, rau sạch An Nông…
Chị Trần Thị Ái, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đang rất cần sự “tiếp sức” của người tiêu dùng Việt nên gia đình chị luôn ưu tiên sử dụng hàng Việt mỗi ngày. Mặt khác, hàng Việt Nam chất lượng cũng tốt, giá cả phải chăng, hợp với nhu cầu, sở thích của gia đình.
Theo ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện đơn vị đang tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, như: thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường để kịp thời theo dõi những biến động giá cả, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; hưởng ứng chương trình nhận diện hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn…
Đồng thời, sở hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mã QR Code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website bán hàng và đăng ký hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người tiêu dùng và người sản xuất, giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng được triển khai hiệu quả, các sở, ban ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nội dung của cuộc vận động; từng bước xây dựng ý thức và văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong mua sắm công cũng như trong tiêu dùng cá nhân; vận động các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn uthực phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch hoạt động Sàn giao dịch Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại vừa tổ chức bàn giao và hướng dẫn sử dụng website thương mại điện tử cho 5 doanh nghiệp thành viên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Để tạo điều kiện giúp hội viên có vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình nhằm thoát nghèo bền vững, đến hết tháng 6-2021, thông qua ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các cấp Hội LHPN huyện Minh Hóa đã huy động hơn 158 tỷ đồng cho gần 3.200 lượt hội viên vay vốn.