Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó

  • 07:07, 08/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao trong khi nhiều nông sản "được mùa, mất giá" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nông dân gặp không ít khó khăn. 
 
Vườn cây ăn quả của anh Dương Quốc Toàn ở thôn Cà là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch). Hiện tại, gia đình anh Toàn đang trồng quýt đường canh, cam V6, bưởi da xanh trên diện tích hơn 2ha. Để có được vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả như ngày hôm nay, anh Toàn đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 400 triệu đồng cải tạo vườn, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel, đầu tư phân bón và chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật.
Các loại phân bón đều đồng loạt tăng giá.
Các loại phân bón đều đồng loạt tăng giá.
Anh Toàn cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng cao khiến gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, phân bón Việt Nhật có giá 950 nghìn đồng/tạ thì nay đã tăng lên gần 1,1 triệu đồng/tạ. Vào thời điểm giá phân bón tăng cao, gia đình anh vẫn phải mua hơn 1 tấn phân NPK để bón thúc cho các loại cây trồng trong vườn. Với quy mô hơn 2ha cây ăn quả, dự tính đến cuối vụ, vườn cây ăn quả của gia đình anh Toàm phải tiêu thụ hơn 5 tấn phân bón các loại.
 
“Giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất và có thể cao hơn tùy theo thay đổi của thị trường. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cam, bưởi rớt giá trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người trồng cây ăn quả như chúng tôi chỉ có lỗ chứ không có lãi. Hiện tại, để giảm chi phí, tôi phải thu mua các loại cá giá rẻ về ủ làm phân để bón thêm cho cây”, anh Toàn chia sẻ.
 
Vụ hè-thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón tăng ngay từ đầu vụ. Đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng, giá phân bón tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) cho biết: “Vụ hè-thu 2021, gia đình tôi làm 4 mảnh ruộng với diện tích hơn 2.000m2. Nắng hạn kéo dài, cộng thêm sâu bệnh dễ phát sinh trên cây lúa nên hè-thu là vụ mùa cần sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đầu vụ, giá phân bón liên tục thay đổi nên chỉ tính chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã mất gần 1 triệu đồng. Chưa biết giá lúa cuối vụ như thế nào nhưng việc chi phí tăng chắc chắn sẽ khiến vụ mùa này chỉ có thể lấy công làm lãi!”.
Giá phân bón tăng cao khiến nhiều chủ vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Bố Trạch gặp không ít khó khăn.
Giá phân bón tăng cao khiến nhiều chủ vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Bố Trạch gặp không ít khó khăn.
Theo tìm hiểu tại một số đại lý phân phối phân bón, từ đầu năm đến nay, giá phân bón đồng loạt tăng mạnh, có loại tăng gần 2.000 đồng/kg so với cuối năm 2020. Hiện nay, giá phân ure trong nước tại các đại lý dao động từ 450.000-470.000 đồng/bao 50kg, tăng khoảng 25% so với cuối năm 2020; phân NPK khoảng 580.000-600.000 đồng/bao; giá phân kali tăng từ 360.000 lên 380.000 đồng/bao 50kg. Không chỉ tăng giá bán, một số loại phân bón nhập khẩu đang khan hiếm hàng.
 
Ông Nguyễn Văn Trung, chủ đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) cho hay: “Giá phân bón tăng không chỉ khiến nông dân gặp khó khăn mà những đại lý như chúng tôi cũng gặp khó vì sức mua giảm nhiều hơn trước. Thậm chí, các đại lý còn phải bán nợ cho người dân trong thời gian dài, nhiều người đến cuối vụ bán lúa mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng, đại lý như chúng tôi cũng cần nhiều vốn để dự trữ mới giữ được khách hàng”.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình), từ đầu năm đến nay, giá phân bón các loại tăng từ 20-30%, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người nông dân. Kéo theo đó, số lượng phân bón công ty bán ra thị trường cũng chỉ đạt 70-80% so với năm 2020. Hiện tại, phân ure đang trong tình trạng khan hàng do chịu ảnh hưởng chung từ thị trường xuất khẩu.
 
Ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, nguyên nhân giá phân bón tăng cao thời gian qua là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại một số địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới khiến việc sản xuất, cung cấp của doanh nghiệp bị đình trệ. 
Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cần bón thúc cho cây 2-3 lần trong một vụ mùa.
Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cần bón thúc cho cây 2-3 lần trong một vụ mùa.
Đại dịch Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn, việc vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu bị ảnh hưởng dẫn đến khan hiếm nguồn cung; cước phí vận chuyển tăng lên kéo theo giá phân bón cũng thay đổi. Thêm vào đó, các nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu đều thông báo tăng giá, buộc nhà sản xuất trong nước cũng phải tăng giá bán.
 
Vụ hè-thu 2021, toàn tỉnh gieo cấy gần 16.000ha lúa, 429ha ngô, 455ha đậu các loại, 180ha lạc, 610ha rau, 210ha khoai…Nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón “nóng” ngay từ đầu vụ, vì đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng. Cây trồng vụ hè-thu phát triển theo từng giai đoạn và giai đoạn nào cũng cần bón thúc cho cây. Người dân cần theo dõi tình hình thời tiết, chăm sóc và bón phân cho cây theo từng giai đoạn phù hợp để giảm chi phí sản xuất nhưng cây trồng vẫn sinh trường và phát triển tốt.
 
“Nhiều năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp thường biến động mỗi khi vào vụ mùa, để chủ động trong sản xuất nông nghiệp, người dân cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, cần hướng tới xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản tránh tình trạng “được mùa mất giá”, ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay.
                                                                                                                       
   Lan Chi
 
 
 
 
 

tin liên quan

NHCSXH cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ ngày 8-7-2021
NHCSXH cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ ngày 8-7-2021
(QBĐT) - Chiều 8-7, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23-2021/QĐ-TTg. 
 
Tăng cường vận động người Việt ưu tiên hàng Việt trong mùa dịch
Tăng cường vận động người Việt ưu tiên hàng Việt trong mùa dịch

(QBĐT) - Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy phát triển thị trường nội địa gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi, duy trì  sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch.

Hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng Website thương mại điện tử năm 2021
Hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng Website thương mại điện tử năm 2021

  (QBĐT) - Thực hiện kế hoạch hoạt động Sàn giao dịch Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại vừa tổ chức bàn giao và hướng dẫn sử dụng website thương mại điện tử cho 5 doanh nghiệp thành viên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình trên địa bàn tỉnh.