Chủ động phòng, chống khô hạn

  • 10:07, 21/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, nhiều diện tích cây trồng vụ hè-thu trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống khô hạn, bảo đảm chất lượng và năng suất của cây trồng.
 
Nguy cơ thiếu nước
 
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 151 hồ chứa và 211 đập dâng thủy lợi. Hiện tại, dung tích tích trữ trung bình của các hồ chứa thủy lợi và đập dâng đạt khoảng 50-55% dung tích thiết kế. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý.
 
Ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, công ty quản lý 17 hồ lớn và 3 đập dâng phục vụ tưới tiêu cho 29.600ha lúa, trong đó vụ hè-thu là 14.200ha.
 
Thời điểm hiện tại, các hồ, đập vẫn cơ bản đủ nước phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, một số hồ chứa nước sẽ không đủ nước tưới cho vụ hè-thu, đặc biệt là thời điểm bước vào giai đoạn gần cuối vụ.
Mực nước tại hồ Vực Sanh, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đã thấp dưới mực nước chết.
Mực nước tại hồ Vực Sanh, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đã thấp dưới mực nước chết.
Hồ Vực Sanh nằm trên địa bàn xã Hạ Trạch, cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho 2 xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch (Bố Trạch). Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân, trữ lượng nước của hồ ngày càng sụt giảm nghiêm trọng. Thời điểm hiện tại, hồ Vực Sanh đang ở mực nước chết.
 
Ông Nguyễn Viết Sỹ, Trưởng Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch cho biết: “Hồ Vực Sanh phục vụ tưới tiêu cho hơn 570ha lúa trên địa bàn 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch, trong đó, vụ đông-xuân 310ha và vụ hè-thu 260ha. Mực nước trong hồ hiện tại là 7,6m, đã thấp hơn mực nước chết. Hầu như năm nào đến mùa nắng nóng, hồ Vực Sanh đều trong tình trạng thiếu nước. Nhiều năm nay, hơn 100ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch không sản xuất được vụ hè-thu vì không đủ nước”.
 
Không chỉ hồ Vực Sanh mà hồ Đồng Ran, đập dâng Rào Sen cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước nếu thời tiết nắng nóng kéo dài. Hồ Đồng Ran phục vụ tưới tiêu cho gần 280ha lúa vụ hè-thu trên địa bàn xã Bắc Trạch (Bố Trạch) và đập dâng Rào Sen cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hơn 160ha lúa hè-thu trên địa bàn xã Tân Thủy (Lệ Thủy).
 
Theo ông Trần Hồng Quảng, hiện, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị để lắp đặt các trạm bơm dã chiến ở các hồ, đập có nguy cơ thiếu nước; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh thủy nông điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm để duy trì nước đến cuối vụ. 
Người dân xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) chuyển đổi trồng ớt trên những diện tích thường xuyên bị khô hạn.
Ứng dụng mô hình tưới tiên tiến đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
 
Vụ hè-thu 2021, toàn tỉnh gieo cấy 15.509ha lúa, 429ha ngô, 465ha đậu các loại, 297ha lạc, 642ha rau, 210ha khoai lang, 140ha vừng và 123ha dưa. Để chủ động ứng phó với hạn hán, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống khô hạn.
 
Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cho biết: “Chính quyền xã đã vận động người dân chuyển đổi những diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới sang trồng sắn, lạc, đậu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Vụ hè-thu 2021, toàn xã Xuân Trạch gieo trồng hơn 20ha lúa, 136ha lạc, 295ha sắn...”.
 
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Bố Trạch, trên địa bàn huyện hiện có 48 công trình thủy lợi cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp; trong đó có 5 hồ do cấp tỉnh quản lý và 43 hồ, đập do địa phương quản lý.
 
Đến thời điểm này, toàn bộ diện cây trồng trên địa bàn huyện cơ bản vẫn bảo đảm đủ nước tưới. Để chủ động ứng phó với khô hạn, huyện đã phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, chủ động phương án tích trữ, điều tiết nước hợp lý.
Nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cùng với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền cho bà con thực hiện tưới nước tiết kiệm; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với khô hạn.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, để chủ động phòng, chống khô hạn, bảo đảm sản xuất vụ hè-thu hiệu quả, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
 
Trong đó, đề ra giải pháp phòng, chống hạn đối với các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt do cấp tỉnh và cấp huyện quản lý; chú trọng đến các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước.
 
Sở Nông nghiệp-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, mực nước các hồ chứa thủy lợi để có giải pháp ứng phó kịp thời; đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
 
Để chủ động phòng, chống hạn, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương vận động người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý; chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, công trình thủy lợi; chuẩn bị máy bơm dã chiến để sẵn sàng bơm nước tưới tiêu cho cây trồng.
 
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp-PTNT cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là những công trình dẫn nước ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT khẳng định: “Nhờ chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp trong phòng, chống khô hạn nên vụ hè-thu 2021, diện tích cây trồng các loại sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có diện tích nào bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống hạn hán hiệu quả, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương, rất cần có sự chung tay, hưởng ứng tích cực của người dân”.
                                                                                                           
       Lan Chi
 
 

tin liên quan

Sẵn sàng các phương án cấp điện mùa nắng nóng
Sẵn sàng các phương án cấp điện mùa nắng nóng

(QBĐT) - Ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình cho biết, để chủ động cung ứng điện cho khách hàng trong đợt cao điểm nắng nóng, ngành Điện Quảng Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án, sẵn sàng cung ứng điện năng, bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, ổn định phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội; sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch nông thôn
Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch nông thôn

(QBĐT) - Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thời gian qua, Quảng Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và tăng cường công tác quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Giá vật liệu tăng cao, doanh nghiệp xây dựng lao đao
Giá vật liệu tăng cao, doanh nghiệp xây dựng lao đao

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng, nhất là sắt, thép. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thi công các công trình xây dựng, gây khó khăn cho khách hàng và nhà thầu.