Đề xuất hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá, thuyền viên

  • 11:06, 18/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Bộ đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác thuỷ sản; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển.
Quảng Bình là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ khá hùng hậu. Ảnh: Tùy Phong
Quảng Bình là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ khá hùng hậu so với cả nước. Ảnh: Tùy Phong
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá; bảo hiểm tai nạn cho cá nhân làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; thuyền viên làm việc trên tàu và xà lan chuyên dụng dịch vụ cho cơ sở nuôi biển công nghiệp. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với các cơ sở nuôi biển ngoài 6 hải lý và vùng biển khơi.
 
Hỗ trợ hằng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu), bảo hiểm lồng bè, phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 3-6 hải lý.
 
Hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thiết bị của các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển ngoài 6 hải lý và vùng biển khơi; hỗ trợ 20% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
 
Chính sách chuyển đổi chủ tàu
 
Theo dự thảo, chủ tàu đã được phê duyệt dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án hoặc đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản (chủ tàu cũ) được chuyển đổi cho chủ tàu khác có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác thủy sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án (chủ tàu mới).
 
Dự thảo nêu rõ, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với trường hợp chủ tàu vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến không trả nợ được đúng hạn cho ngân hàng và không đủ năng lực khai thác hải sản có nhu cầu chuyển nhượng tàu; chủ tàu mới có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác hải sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án, chủ tàu mới được lựa chọn hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất khi nhận tàu và toàn bộ dư nợ vay từ chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao. Ngân sách Nhà nước cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ chưa trả nợ được đến thời điểm bàn giao.
 
Chủ tàu cũ phải trả nợ gốc quá hạn tính đến thời điểm bàn giao và lãi phát sinh của nợ gốc quá hạn. Chủ tàu mới nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm: Nợ gốc và lãi phát sinh tính từ thời điểm bàn giao theo hợp đồng tín dụng do chủ tàu cũ đã ký với ngân hàng.
 
Chủ tàu cũ và chủ tàu mới thỏa thuận, thống nhất về việc bàn giao tàu và khoản nợ vay, ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
 
Chủ tàu mới và ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại theo quy định (11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới) sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất mà chủ tàu cũ đã thực hiện tại thời điểm bàn giao.
 
Chủ tàu mới nhận bàn giao khoản nợ vay và tài sản hình thành từ vốn vay từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ tàu.
 
Dự thảo nêu rõ, chính sách chuyển đổi chủ tàu chỉ được thực hiện 1 lần/tàu. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ vay của chủ tàu mới nhận bàn giao từ chủ tàu cũ (nếu có) được phân loại theo nhóm nợ của chủ tàu mới.
 
Theo Chinhphu.vn

tin liên quan

TT. Đồng Lê mở rộng: Hướng đến xây dựng đô thị miền núi xanh
TT. Đồng Lê mở rộng: Hướng đến xây dựng đô thị miền núi xanh

(QBĐT) - Ngày tuyến đường Quang Trung ở TT. Đồng Lê (Tuyên Hóa) được nâng cấp mở rộng, thị trấn của huyện miền núi này mới thực sự có dáng dấp của một trung tâm huyện lỵ. Nói vậy là bởi suốt hơn 20 năm (từ năm 1999) TT. Đồng Lê được mệnh danh là thị trấn lạc hậu nhất tỉnh. 

Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu
Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu

(QBĐT) - Hiện nay, lúa hè-thu trà đầu giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà chính vụ 2-3 lá, trà muộn mũi chông. Qua báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên đồng ruộng nhiều đối tượng sâu bệnh đã phát sinh gây hại, đặc biệt ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao ở hầu hết các địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư công: "Đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng"
Giải ngân vốn đầu tư công: "Đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng"

Theo tính toán của cơ quan quản lý, dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.