(QBĐT) - Quảng Bình là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, chỉ riêng năm 2020 đã phải gánh chịu hậu quả của 4 đợt bão lũ gây thiệt hại hơn 3.767 tỷ đồng. Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) luôn được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm nhằm bảo đảm an toàn về người, tài sản và hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Năm 2020, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường. Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ trung bình từ 32-39 độ C, có thời điểm lên đến 40-42 độ C gây hạn hán kéo dài. Mùa mưa thường xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập lụt dài ngày, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến 20-10 gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ông Trần Xuân Tiến, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, công tác PCTT phải lấy phòng ngừa là chính và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu của các sở, ngành và từng địa phương. Để chủ động PCTT, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp khẩn cấp triển khai các nội dung ứng phó các tình huống thiên tai; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương; chỉ đạo các cơ quan đơn vị, hướng dẫn người dân chủ động các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó việc bảo đảm tính mạng con người được đặt lên hàng đầu.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đã tích cực bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ứng phó; rà soát các địa điểm dân cư, các đồn, trạm...có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, ngập sâu, chủ động, kiên quyết di dời đến nơi an toàn.
Trong đó, đã rà soát 3.937 hộ/18.040 khẩu có khả năng bị ảnh hưởng của nước biển dâng, ngập lụt, sạt lở, lũ quét, sẵn sàng di dời khi cần thiết. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCTT-TKCN ở các địa phương, cơ sở, công trình trọng điểm; đồng thời, đề xuất bổ sung phương án, kế hoạch, giải pháp để sẵn sàng đối phó với thiên tai bão, lụt.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 7-2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ tháng 8 đến tháng 10-2021.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ và tuân thủ nguyên tắc: “Chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; chủ động cập nhật, nắm chắc tình hình, sẵn sàng ứng phó kịp thời và xử lý có hiệu quả các tình huống, sự cố thiên tai và TKCN; chủ động củng cố lực lượng làm công tác TKCN để xử lý các tình huống.
![]() |
Theo ông Trần Xuân Tiến, mùa mưa lũ đang đến gần, để công tác PCTT đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị các sở, ngành, cơ quan đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác PCTT; rà soát, kiểm tra các điểm ngập lụt, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ bùn, lũ quét để có phương án di dời; xây dựng phương án và các mẫu nhà vượt lũ.
Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu, PCTT để người dân thực sự chủ động; phải xác định nhiệm vụ phòng là chính, tiếp tục quán triệt, phát huy cao hơn nữa phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCTT, đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng PCTT nhất là ở cơ sở; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, hạn chế thấp nhất thiệt hại; bố trí nguồn chi ngân sách thỏa đáng, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai, như: bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán; thành lập lực lượng xung kích PCTT cấp xã để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức diễn tập, tập huấn để nâng cao năng lực, nhận thức công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức PCTT của mỗi người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 96 vụ/249 người/81 phương tiện gặp thiên tai, tai nạn; xảy ra 35 vụ cháy. Hậu quả làm 23 người chết, 2 người mất tích và 36 người bị thương; 35 tàu thuyền chìm, hư hỏng; 25 xe ô tô, xe máy các loại bị hư hỏng và 4.851 nhà tốc mái, gây thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng. |
Lan Chi