(QBĐT) - Mùa thu hoạch nông sản đã khởi động, nhưng bà con nông dân vẫn khấp khởi âu lo khâu tiêu thụ, bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản mùa dịch, bảo đảm giá cả và an toàn trong tiêu thụ vẫn luôn là những vấn đề nan giải làm “đau đầu” cơ quan quản lý và nông dân, chủ thể sản xuất. Trong bối cảnh đó, một số sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt tay “giải bài toán khó” này.
Đang tất bật với những chuyến hàng hóa ngược xuôi, anh Đoàn Thắng Phát, phụ trách khâu nhập hàng hóa cho sàn thương mại điện tử www.voso.vn (trang Vỏ sò, được phát triển bởi Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel-Viettel Post) trên địa bàn tỉnh, nở nụ cười tươi rói khi được hỏi về tình hình tiêu thụ các nông sản địa phương.
Anh Phát chia sẻ, không phải chờ đến mùa thu hoạch nông sản và ảnh hưởng của dịch Covid-19, sàn thương mại điện tử Vỏ sò mới triển khai bán các nông sản Quảng Bình, mà công việc này đã được triển khai thường xuyên suốt thời gian qua. Trong đó, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh được khách hàng quan tâm nhiều, tiêu biểu như các nhóm sản phẩm về sâm Bố Chính, khoai deo, hải sản khô, nước mắm, dầu thực vật, miến dong, miến gạo…
![]() |
Theo thống kê, tổng đơn hàng nông sản Quảng Bình được sàn Vỏ sò bán từ trước đến nay là 725 đơn hàng với trị giá gần 555 triệu đồng (sàn Vỏ sò khởi động từ năm 2019). Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ sò, đã có 280 đơn hàng nông sản Quảng Bình được tiêu thụ.
Sàn Vỏ sò cũng có nhiều ưu đãi cho các đặc sản địa phương, như: mở trang đặc sản của từng tỉnh, thành phố; hàng tháng mỗi địa phương lựa chọn 3 sản phẩm nổi bật để được hỗ trợ marketing miễn phí trên sàn, góp phần thúc đẩy tiêu thụ, tăng khả năng nhận diện thương hiệu… Trong tháng 5 này, 3 loại sản phẩm của Quảng Bình được hỗ trợ quảng bá trên trang, gồm: khoai deo, nấm sạch và hải sản khô.
Anh Đỗ Xuân Thắng, Phó Giám đốc Viettel Post Quảng Bình cho biết, xác định thương mại điện tử là xu hướng giao dịch quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã có nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, nhất là trong mùa tiêu thụ nông sản.
Thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ sò, nhiều nông sản Quảng Bình đã đến tận tay khách hàng tiêu thụ trên khắp cả nước, góp phần lan tỏa, xây dựng thương hiệu cho nông sản miền gió Lào cát trắng. Đáng chú ý, nông dân có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản do chính mình làm ra, làm quen hình thức tiêu thụ hàng hóa hiện đại qua thương mại điện tử.
Để tăng cường hơn nữa tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong thời gian tới, Viettel Post Quảng Bình kỳ vọng sẽ có cơ hội hợp tác và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn tỉnh để có thể kết nối với nhiều chủ thể OCOP hoặc các cơ sở sản xuất nông sản sạch uy tín.
Từ đó, các bên tham gia có thể tăng cường kết nối chuỗi tiêu thụ thông qua sàn giao dịch điện tử. Sắp tới, Viettel Post Quảng Bình cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá trang thương mại điện tử Vỏ sò trên nền tảng số, phấn đấu đến hết tháng 6-2021, sẽ có hơn 50% người dùng mạng di động Viettel trên địa bàn tỉnh cài đặt app Vỏ sò.
Với nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của nông dân Quảng Bình, Bưu điện tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử www.postmart.vn (được phát triển bởi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam-VNPost). Theo anh Nguyễn Văn Lê Hoàng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, bên cạnh sản phẩm khoai deo Như Mận đã được đơn vị đưa lên trang thương mại điện tử cách đây hơn 1 năm (thu được những kết quả tích cực, doanh số bán hàng ổn định và tạo được sức hút từ khách hàng ngoại tỉnh), mới đây, sản phẩm dưa hấu Quảng Bình đã được Bưu điện tỉnh thử nghiệm đưa lên sàn.
Bước vào mùa thu hoạch nông sản, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến quá trình tiêu thụ sản phẩm, sắp tới, Bưu điện tỉnh sẽ triển khai kế hoạch với Hội Nông dân tỉnh để đưa thêm nhiều nông sản Quảng Bình lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Theo kế hoạch, Bưu điện tỉnh sẽ xây dựng gian hàng trưng bày các nông sản địa phương, nhất là sản phẩm OCOP ngay tại trụ sở chính để tăng cường quảng bá cho sàn giao dịch thương mại điện tử của đơn vị, tạo cơ hội cho người dân, nhất là du khách tiếp cận đặc sản địa phương.
Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, việc đưa nông sản lên các trang thương mại điện tử là một trong những hướng đi mới cho nông sản địa phương, góp phần tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đáng chú ý, việc thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Sắp tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác với các bên liên quan đưa nông sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử, góp phần gỡ khó cho nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19.
Mai Nhân