(QBĐT) - Cả nước đang hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động. Có lẽ không phải bàn cãi việc trồng thêm cây xanh trên toàn cõi Việt Nam vì cây xanh không bao giờ thừa và trồng cây là truyền thống đã đi vào máu thịt của con dân đất Việt. Chỉ có điều là các địa phương từ thôn, xóm đến xã, huyện và cả tỉnh nữa cần triển khai những kế hoạch cụ thể về trồng cây trên địa phương mình để đưa lại hiệu quả cao và thực chất.
Thời gian qua, nhiều người “rần rần” lên Lệ Thủy, lên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chiêm ngưỡng cây bún ven sông Kiến Giang. Cây bún vào mùa hoa nở rộ. Cũng phải nói rằng, cây bún vốn không quý giá như huê đỏ, hay lim xanh mà chỉ là thứ cây “bình dân”. Nhưng sao nó lôi cuốn du khách đến vậy? Vì nó là cây cổ thụ, hoa lại nở đều khắp tán cây tạo nên một "đóa hoa" kỳ vĩ. Nó lại nằm bên dòng sông đẹp và trở thành “hồn cốt” của cư dân trên vùng đất này. Và tất nhiên, nó sẽ tồn tại, không một thế lực nào có thể gạt bỏ nó ra khỏi đời sống của người dân trong vùng vì những lý do hết sức giản dị kể trên.
Trở lại với việc trồng cây xanh. Cụ thể hóa chủ trương trên không gì khác là phải thực sự nghiêm túc và “có trí tuệ” trong việc chọn cây để trồng. Đó là phải chọn giống cây nào có tác dụng xã hội lớn, phù hợp với khu vực này với khu vực kia với điều kiện thời tiết khắc nghiệt là nắng hạn, bão lũ. Lựa chọn trồng cây gì trên mỗi tuyến đường để tạo nên những sắc màu cho phố xá. Rồi khu vực nào dành trồng cây và trồng cây gì để tạo nên những khu rừng mini trong lòng thành phố… Còn với nông thôn, ngoài việc trồng cây đại trà, từng làng phải chọn trồng một số cây “có tên tuổi” có hướng phát triển thành cây cổ thụ và nó phải được trồng ở những địa điểm được coi là trung tâm, địa điểm vui chơi giải trí trong làng để tạo nên: “Cây đa giếng nước đầu làng”.
Còn cứ hô hào chung chung, trồng cho có số lượng rồi “sống chết mặc bay” hoặc trồng những thứ cây vô hồn thì quả là tốn tiền, tốn công vô ích. Trồng cây để nó sống đã khó, nhưng trồng cây gì để nó trở thành “hồn cốt” của một vùng đất lại càng khó hơn...
Văn Hoàng