(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện công tác này còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được các cấp ngành, nhất là từ Trung ương kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT), qua thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong công tác lập quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ chưa được Bộ TNMT khoanh định và công bố, vì vậy, gây khó khăn cho việc quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản.
Về đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với đất cho hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp mỏ của địa phương, phải tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, hiện nay, lại chưa có hướng dẫn công tác thỏa thuận để giải phóng mặt bằng (GPMB) đất cho hoạt động khoáng sản trước khi đưa mỏ vào đấu giá. Vì vậy, có nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thỏa thuận được về đất đai nên không thực hiện được, làm giảm hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
![]() |
Theo quy định tại Điều 16, Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010, UBND các cấp có trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Nhưng, các loại tài nguyên khoáng sản, như: cát, sỏi, đất san lấp có điều kiện khai thác đơn giản, nên việc quản lý, bảo vệ là rất khó khăn do địa bàn rộng và không đủ quyền hạn, phương tiện. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu lực lượng, phương tiện, nhất là thiếu cán bộ thanh tra có nghiệp vụ chuyên môn sâu về lĩnh vực khoáng sản.
Ngoài ra, hiện nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác không được bố trí và quan tâm đầy đủ (Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn định mức chi ngân sách cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác)...., khiến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản gặp nhiều khó khăn và chưa thể ngăn chặn được triệt để việc khai thác trái phép khoáng sản.
Cũng theo ông Phan Xuân Tuấn, hiện nay, quy định hiện hành về hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là đối với khoáng sản, như: cát, sỏi lòng sông, đất san lấp công trình khá rườm rà và gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mất cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ đối với các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác lộ thiên, không sử dụng vật liệu nổ là quá cao, không phù hợp với thực tế loại hình khoáng sản, dẫn đến khó thực hiện...
Từ thực tế những khó khăn vướng mắc nói trên,ông Phan Xuân Tuấn cho biết, thời gian tới, Phòng Khoáng sản sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở xây dựng văn bản của UBND tỉnh kiến nghị Bộ TNMT một số vướng mắc về cơ chế để thống nhất thực hiện. Theo đó, đề nghị Bộ TNMT thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản đối với các điểm mỏ khoáng sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách để khoanh định và công bố khu vực khoáng sản nhỏ lẻ cho địa phương quản lý và cấp phép hoạt động nhằm phát triển nền kinh tế-xã hội. Tham mưu Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn công tác GPMB đất cho hoạt động khoáng sản trước khi đưa mỏ vào tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định trước khi đưa mỏ vào hoạt động cũng như năng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: "Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước". Vì vậy, đề nghị Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ và nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Khoáng sản 2010 và mức chi phí, phương tiện cho địa phương để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Ban hành quy định thủ tục hồ sơ, cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm vật liêu xây dựng thông thường, như: cát, sỏi lòng sông, đất san lấp theo hướng đơn giản, gọn nhẹ. Cùng với đó, cần có quy định tiêu chuẩn về giám đốc điều hành mỏ phù hợp đối với các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác lộ thiên, không sử dụng vật liệu nổ...
Đ.T