(QBĐT) - Mùa nắng nóng đã bắt đầu, cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân cũng sẽ tăng cao. Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện thường xuyên, liên tục, ổn định cho khách hàng; đồng thời, tích cực thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động giao dịch nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Gấp rút sửa chữa lớn các công trình điện
Ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc PC Quảng Bình cho biết: "Năm 2021, tổng số công trình sửa chữa lớn (SCL) lưới điện trên toàn tỉnh do đơn vị đảm nhận là 43 công trình; trong đó có 7 công trình lưới điện 110kV, 33 công trình lưới điện trung, hạ áp và 3 công trình phục vụ sản xuất. Tổng vốn đầu tư sửa chữa là hơn 45,3 tỷ đồng".
Công nhân PC Quảng Bình thi công thay sứ trên hệ thống lưới điện trung áp.
Đến thời điểm hiện tại, PC Quảng Bình đã triển khai thực hiện 14 công trình SCL, đạt 32,5% khối lượng các công trình của cả năm. Cũng theo ông Trung, đơn vị đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Bởi việc gấp rút triển khai các công trình SCL sẽ góp phần quan trọng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm sự cố lưới điện, đặc biệt là ở thời điểm nắng nóng, khi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao.
Để các công trình SCL cơ bản phục vụ tốt công tác vận hành và bảo đảm cấp điện an toàn, ngay từ đầu năm, lãnh đạo PC Quảng Bình đã chủ động lập danh mục các công trình thực hiện, thẩm tra khối lượng, tính chất công trình và ra quyết định phê duyệt công trình.
Đối với các công trình SCL giao cho các điện lực tự thực hiện, các đơn vị đã lập phương án chi tiết hạng mục của từng công trình, kế hoạch đăng ký cắt điện hợp lý để tận dụng tối đa hiệu quả của công tác sửa chữa điện nóng (hotline) và giao nhiệm vụ quản lý, giám sát cụ thể đến từng cá nhân; mặt khác, xây dựng phương án thi công tổng thể để tranh thủ sự hỗ trợ tối đa phương tiện, nhân lực từ các đơn vị bạn nhằm bảo đảm công tác thi công luôn an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa số lần cắt điện cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Điện lực Minh Hóa, trong quý I-2021, đơn vị được giao nhiệm vụ thi công, giám sát hoàn thành công trình Đại tu lưới điện trung thế-Điện lực Minh Hóa năm 2021. Đây là công trình SCL có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Minh Hóa.
Cùng với lực lượng hỗ trợ từ Điện lực Tuyên Hóa, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, thi công khối lượng công việc khá lớn gồm thay thế hơn 34km dây dẫn AC/XLPE 70-12,7/24kV và các phụ kiện đi kèm. Riêng trong ngày đầu ra quân, Điện lực Minh Hóa đã thay thế được gần 5km dây dẫn và các phụ kiện kèm theo của nhánh rẽ Rục thuộc xuất tuyến 473 Trạm Trung gian Quy Đạt.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công và phấn đấu hoàn thành công trình theo tiến độ đề ra nhằm bảo đảm sớm cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng trong mùa nắng nóng”-ông Hoàng cho biết.
Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Ngay từ đầu năm, PC Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai phương án kiểm tra toàn diện, rà soát chống quá tải cục bộ cho các đường dây và trạm biến áp (TBA). Hiện đơn vị đã thực hiện hoán chuyển hàng chục máy biến áp (MBA) phụ tải nhằm bảo đảm các MBA vận hành tối ưu mà không làm tăng chi phí đầu tư; đồng thời, thực hiện cân pha, san tải gần 100 TBA và xử lý tiếp xúc hơn 200 điểm trên lưới để bảo đảm cấp điện liên tục cho khách hàng.
Đây là việc làm được đánh giá rất có hiệu quả, bởi vừa hạn chế vốn đầu tư xây dựng để chống quá tải lưới điện, bảo đảm cấp điện mùa nắng nóng; vừa giảm tổn thất điện năng do phân phối mức tải qua TBA hợp lý, duy trì ở dải hiệu suất cao.
Mặt khác, việc thi công xà rẽ và đấu nối, xử lý ngăn ngừa sự cố bằng công nghệ “hotline” cũng đã được PC Quảng Bình đặc biệt chú trọng phối hợp thực hiện nhằm bảo đảm cấp điện không gián đoạn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Cung ứng điện liên tục, ổn định cho các khách hàng lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của PC Quảng Bình trong mùa nắng nóng.
Riêng đối với địa bàn TP. Đồng Hới, PC Quảng Bình chủ động lập danh sách khách hàng quan trọng và ưu tiên cấp điện bảo đảm phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trong toàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt. Với trên 45% số khách hàng quan trọng của tỉnh tập trung tại thành phố, phương thức vận hành cấp điện bằng các mạch vòng liên lạc 22kV từ TBA 110kV-Đồng Hới và TBA 110kV-Bắc Đồng Hới tại khu vực này được PC Quảng Bình ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Hiện tại, PC Quảng Bình đang tăng cường công tác quản lý vận hành tất cả các cụm tụ bù trung, hạ áp và chú trọng kiểm tra sửa chữa, thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện trước mùa nắng nóng. Để nâng cao tính linh hoạt trong vận hành, PC Quảng Bình đã chỉ đạo tiến hành thay thế các thiết bị không thể kết nối hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) bằng các thiết bị mới có kết nối SCADA nhằm làm giảm đáng kể thời gian mất điện cho khách hàng khi công tác hoặc xử lý sự cố; đồng thời, tăng cường phát quang hành lang tuyến điện, tuyên truyền cho người dân hiểu và bảo vệ hành lang tuyến để hạn chế tối đa sự cố điện có thể xảy ra.
Chú trọng chuyển đổi số trong giao dịch khách hàng
Ông Trần Xuân Công, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh PC Quảng Bình cho hay, cùng với việc nâng cao hiệu quả cung ứng điện, Công ty không ngừng mở rộng triển khai hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, cải tiến dịch vụ thu tiền điện qua các kênh thanh toán trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi. Đến nay, PC Quảng Bình đã ký thỏa thuận hợp tác với 10 ngân hàng và 9 tổ chức thu hộ tiền điện. Riêng trong năm 2020, có 139.175 hóa đơn tiền điện được thu theo phương thức điện tử, chiếm 50,82% tổng số hóa đơn với số tiền gần 137 tỷ đồng và chiếm 81,86% tổng doanh thu tiền điện cả năm.
Hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện bằng phương thức điện tử.
Như vậy có thể thấy, hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức thu hộ đã thể hiện được tính năng động, thuận lợi cho đông đảo khách hàng; bảo mật thông tin khách hàng một cách tuyệt đối. Bên cạnh đó, hình thức thu tiền điện trực tuyến còn hạn chế được những rủi ro, bởi khách hàng đã nhận được các thông tin cụ thể về chỉ số công tơ sử dụng, số tiền phải trả thông qua tin nhắn trước khi thanh toán, qua đó, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Thu tiền điện không dùng tiền mặt không chỉ mang lại tiện ích cho khách hàng mà còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng nội dung chủ đề năm 2021 của EVN đó là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán tiền điệnbằng phương thức điện tử giúp người dân giao dịch nhanh chóng, an toàn, hạn chế tiếp xúc đông người.
“Việc bảo đảm vận hành an toàn lưới điện và cung cấp điện thường xuyên, liên tục trong mùa nắng nóng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng cũng như hoạt động của địa phương rất cần sự chung tay thực hiện tiết kiệm điện của cộng đồng xã hội. Để tránh quá tải cục bộ đường dây, TBA, các cơ quan đơn vị và người dân cần tắt, giảm các thiết bị điện chưa thật cần thiết trong giờ cao điểm; đồng thời, tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện” – ông Trần Xuân Công chia sẻ thêm.
(QBĐT) - Hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Minh Hóa tiếp tục khuyến khích, vận động người dân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây bản địa và rừng cây gỗ lớn. Việc làm này nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa làm giàu vốn rừng để bảo vệ môi trường…
WB đánh giá biện pháp ứng phó kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng Một, khiến kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực.
(QBĐT) - Chiều nay, 16-3, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa (CPH) các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) về tình hình thực hiện chuyển đổi các đơn vị SNCL sang công ty cổ phần.