(QBĐT) - Thay vì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cây tràm gió được thu hái ngoài tự nhiên, những năm gần đây, gia đình chị Nguyễn Thị Vượng, thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đã liên kết với một số hộ trong xã trồng giống tràm gió nhằm chủ động nguyên liệu cho cơ sở sản xuất tinh dầu tràm của gia đình theo hướng bền vững.
Giữ nghề truyền thống
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nấu tinh dầu, khi nhiều người trong làng đã bỏ nghề để làm công việc khác, chị vẫn quyết giữ lấy nghề nấu tinh dầu chổi của cha ông để lại. Đến năm 2011, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, chị mạnh dạn chuyển sang nấu dầu tràm. Chị Vượng kể, lúc đó cây dầu chổi thì hiếm nhưng cây tràm gió thì rất nhiều. Cùng khối lượng nguyên liệu nhưng lượng tinh dầu tràm nấu ra chỉ bằng một nửa tinh dầu chổi, giá dầu tràm gió lúc đó cũng ngang ngửa với dầu chổi nên lời lãi không được bao nhiêu. Nhiều lúc anh chị muốn bỏ nghề nhưng người đến hỏi mua tinh dầu ngày càng đông nên lại tiếp tục nấu.
Năm 2017, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển để đầu tư thêm lò nấu với công suất lớn hơn, hiện đại hơn và cho chất lượng dầu cao hơn. Mỗi lần nấu cần khoảng 5 tạ lá tràm tươi, sau khi nấu khoảng 15 giờ đồng hồ thì cho ra được 1,2 lít dầu tràm nguyên chất. Mỗi năm, gia đình chị sản xuất được khoảng 70 đến 80 lít dầu tràm nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
![]() |
Theo chị Vượng, dầu tràm nguyên chất có màu trong, xanh nhạt, mới đầu khi mở mùi hơi hắc nhưng để càng lâu càng thơm, xoa không bị nóng, rát, rất tốt cho trẻ nhỏ. Dầu tràm dùng để chăm sóc sức khỏe con người, vì vậy, ngoài lá tràm ra, người nấu không nên pha chế thêm bất cứ thứ gì, có vậy mới mang lại hiệu quả cao trong việc xoa bóp giảm đau cơ bắp, xương khớp, phòng ngừa cảm mạo, trúng gió, chống đầy hơi ở bụng, trị các vết côn trùng cắn, bầm tím…
Gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành liên quan, sản phẩm tinh dầu tràm của chị Vượng đã có mẫu mã, bao bì, nhãn mác và đặc biệt hơn là có chỗ đứng trong thị trường. Thương hiệu “Dầu tràm Giáo Vượng” của chị không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước mà còn vươn ra nước ngoài. Đặc biệt, năm 2020, tinh dầu tràm Giáo Vượng đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Sản phẩm được bình chọn là sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chủ động nguyên liệu để mở rộng sản xuất
Tràm gió là cây mọc tự nhiên, ngày trước khi chưa giao đất, giao rừng, nhiều người dân đã tranh thủ lúc nhàn rỗi vào rừng thu hái về nhập bán cho gia đình chị để kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau khi chia rừng, phần lớn diện tích đồi hoang đã được phủ cây keo, cây tràm gió chỉ còn tồn tại trên các diện tích đất đồi cằn cỗi, chủ yếu là các đồi sỏi đá, lượng cây tràm gió khan hiếm hơn và nguồn nguyên liệu cũng ngày càng cạn kiệt.
Năm 2017, đoàn công tác ở Trường đại học Nông lâm Huế đến xã Thái Thủy và tham quan cơ sở sản xuất của gia đình. Khi chị bộc bạch về chuyện khan hiếm nguyên liệu nấu dầu tràm, đoàn đã hứa sẽ giúp chị thử nghiệm ươm giống. Như "cá gặp nước", đến mùa hè, khi cây tràm tự nhiên đâm hoa trổ hạt thì anh chị vào rừng lấy hạt giống để gửi vào để ươm thử nghiệm. Sau đó, gia đình chị được cung cấp nguồn giống để trồng.
Cuối năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của UBND huyện Lệ Thủy, gia đình chị bắt đầu trồng thử nghiệm 3ha, sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây thích ứng tốt với điều kiện, khí hậu ở Lệ Thủy, đặc biệt là vùng gò đồi. Đến nay, chị đã liên kết với 9 hộ gia đình khác trồng thêm được 5ha, nâng tổng diện tích cây tràm gió ở xã Thái Thủy lên 8ha.
![]() |
Chị Vượng cho biết, kỹ thuật trồng cũng đơn giản, chỉ cần đào hố, bón lót bằng phân chuồng và phân NPK, sau đó, trồng cây giống xuống, mật độ trồng 10.000 cây/ha. Sau hơn 1 năm thì bắt đầu cắt tỉa tạo hình để cây lên nhánh, đến năm thứ 2 thì thu hoạch, mỗi ha thu hoạch được khoảng 5 tấn nguyên liệu, cây càng nhiều năm thì nguyên liệu sẽ càng nhiều, mỗi năm thu hái 2 lần. Cây thích hợp với những đất gò đồi, đặc biệt là vùng đã có cây tràm tự nhiên, cây tràm gió trồng phát triển rất nhanh. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu nên gia đình chị rất yên tâm để đầu tư duy trì và mở rộng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thị sản phẩm.
Theo ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, diện tích cây tràm gió trên địa bàn Thái Thủy nói riêng và Lệ Thủy nói chung đang ngày càng thu hẹp. Giống tràm gió được đưa vào trồng đại trà sẽ mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là có thể khôi phục được làng nghề tinh dầu của bà con Thái Thủy. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nấu tinh dầu không chỉ ở xã Thái Thủy mà còn ở các địa phương khác.
Thanh Hoa