Thương mại điện tử nâng tầm OCOP

  • 02:02, 19/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thương mại điện tử hiện nay không chỉ là xu hướng của giới trẻ mà đã trở nên phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hình thức mua bán này được ưa chuộng và là lựa chọn của nhiều khách hàng. Với các sản phẩm OCOP Quảng Bình (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đây là “cơ hội vàng” để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, để có thể phát huy thế mạnh của thương mại điện tử, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cải tiến mẫu mã, nỗ lực quảng bá, các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các bên.
 
Chị Nguyễn Thị Đoàn (Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn, xã Hải Ninh, Quảng Ninh) cho biết, 3 tháng trở lại đây, HTX thường xuyên cung cấp sản phẩm tôm khô, cá bờm trắng khô (2 sản phẩm được OCOP 3 sao cấp tỉnh) cho một đơn vị kinh doanh thương mại điện tử có uy tính. Nhờ lượng hàng tiêu thụ lớn, nên mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, HTX vẫn ổn định sản xuất, giá cả hợp lý. Bên cạnh cung cấp hàng cho doanh nghiệp này, HTX vẫn duy trì bán hàng trên các trang mạng xã hội và nhận được nhiều đơn hàng sỉ, lẻ hàng ngày.
 
Tương tự, bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, từ năm 2019, Công ty TNHH Linh Huệ cũng tích cực cung ứng sản phẩm cho các trang thương mại điện tử. Chị Trương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Linh Huệ cho biết, ngoài sản phẩm khoai deo Linh Huệ-đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, công ty còn cung ứng một số sản phẩm thủy hải sản khác. Thương mại điện tử vừa mở rộng kênh tiêu thụ cho công ty, vừa góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. 
Sản phẩm Khoai deo Linh Huệ bán trên trang bán hàng trực tuyến Shopee
Sản phẩm Khoai deo Linh Huệ bán trên trang bán hàng trực tuyến Shopee
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn sử dụng kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, như: các trang bán hàng trực tuyến Lazada, Shopee, Voso, Tiki, Portmart… Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, số lượng còn ít. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều chủ thể sản phẩm OCOP về thương mại điện tử còn hạn chế, chưa hiểu rõ vai trò, thế mạnh và ưu điểm nổi bật của loại hình này để có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
 
Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình hiện có 130 doanh nghiệp tham gia. Nhưng, hiện tại, sàn mới duy trì chức năng chính là giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Quảng Bình, tạo liên kết giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP; đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội để các doanh nghiệp làm quen với thương mại điện tử, nhất là các HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
 
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ nâng cấp các tính năng của Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình để đây thực sự là trang bán hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Trước đây, với sự hỗ trợ của một dự án, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh cũng đã duy trì website giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cho nông dân và tạo được dấu ấn nhất định, góp phần giúp nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP.
 
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh cho biết, thời gian tới, trung tâm có kế hoạch định hướng sẽ triển khai trang thương mại điện tử để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các chủ thể OCOP trong tỉnh giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, trung tâm sẽ nỗ lực mở cửa hàng giới thiệu nông sản; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn hỗ trợ nông dân tiếp cận thương mại điện tử và tăng cường kết nối nông dân với các nhà tiêu thụ, doanh nghiệp, HTX để đẩy mạnh đầu ra cho nông sản. Để thực hiện được kế hoạch này, trung tâm cần sự hỗ trợ tích cực để có nguồn kinh phí, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng… cho chiến lược dài hơi.
 
Theo đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quản Bình, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp tỉnh sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên quy mô toàn tỉnh. Các sản phẩm đạt 3-5 sao cấp quốc gia được tham gia các chương trình hỗ trợ xúc tiến cấp quốc gia (trên toàn quốc và quốc tế).
 
Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ và phát triển thương mại nông thôn; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quảng bá, giới thiệu, thực hiện mở các gian hàng và giao dịch thương mại điện tử miễn phí trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh. 
Hai sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) được tiêu thụ mạnh trên các trang thương mại điện tử.
Hai sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) được tiêu thụ mạnh trên các trang thương mại điện tử.
Với sự thay đổi tích cực của Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh và sự giúp sức từ các chương trình, đề án, kỳ vọng các sản phẩm OCOP Quảng Bình sẽ có cơ hội “vươn ra biển lớn”, phát huy thế mạnh, tiềm năng.
 
Để nắm bắt cơ hội, ngoài việc đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, các chủ thể OCOP cần có sự trang bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất công nghệ thông tin, nhân lực... Đặc biệt, cần tăng cường kết nối không chỉ với cơ quan chức năng, các địa chỉ bán hàng trực tuyến mà còn giữa các chủ thể OCOP để nhận được sự giúp sức tích cực, hiệu quả.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Bố Trạch: Cây trồng vụ đông-xuân phát triển tốt
Bố Trạch: Cây trồng vụ đông-xuân phát triển tốt

(QBĐT) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, bà con nông dân huyện Bố Trạch tập trung xuống đồng chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân.

Lệ Thuỷ: Nâng cao thu nhập từ cây nén
Lệ Thuỷ: Nâng cao thu nhập từ cây nén

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn phát triển diện tích cây nén, đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, mức đầu tư thấp, sản phẩm dễ tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bố Trạch dẫn đầu số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh
Bố Trạch dẫn đầu số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh

(QBĐT) - Ngày 18-2-2021, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, trong số 33 sản phẩm trên toàn tỉnh được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2020, huyện Bố Trạch có 12 sản phẩm được đánh giá xếp hạng (OCOP 3 sao) thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".