Nông dân Tây Trạch "bám" đồng chăm sóc kiệu Tết

  • 07:01, 09/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, bà con nông dân xã Tây Trạch (Bố Trạch) đang tích cực bám đồng ruộng, tập trung chăm sóc cây kiệu với mong muốn có một mùa kiệu bội thu phục vụ Tết Nguyên Đán.
 
Thời gian qua, chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, đất cao su kém hiệu quả đã được xã Tây Trạch thực hiện tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, địa phương đã lựa chọn mô hình trồng cây kiệu phục vụ Tết Nguyên Đán, vừa góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện toàn xã Tây Trạch có gần 20ha đất trồng kiệu.
 
Chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Võ Thuận 1 cho biết: “Từ khi chuyển từ đất lúa sang trồng kiệu luân canh với một số cây trồng khác, như: dưa hấu, kê, cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn nữa. Trồng kiệu rất dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, hiệu quả lại cao gấp nhiều lần so với làm lúa. Năm ngoái, nhờ nguồn giống chất lượng, thời tiết thuận lợi nên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 35 triệu đồng từ 7 sào đất trồng kiệu".
 
Để chuẩn bị cho vụ kiệu đúng dịp Tết Nguyên Đán năm nay, ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch, người dân Tây Trạch đã bắt tay làm đất, xuống giống. Với đặc tính không kén đất, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít phải đầu tư nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây trồng khác nên từ nhiều năm qua, cây kiệu đã được nhiều hộ nông dân ở địa phương lựa chọn là cây trồng chủ lực. Nhiều hộ gia đình nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nên đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Nông dân Tây Trạch tích cực chăm sóc cây kiệu để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Nông dân Tây Trạch tích cực chăm sóc cây kiệu để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Theo chị Phan Thị Anh, thôn Võ Thuận 1, nghề trồng kiệu không quá khó nhưng phải chăm sóc kỹ, sau khi trồng được 1 tháng thì làm cỏ, từ tháng thứ hai trở đi thì vừa làm cỏ vừa bón phân, vun gốc để kiệu ra củ. Kiệu ở đây củ thơm, giòn nên rất được thị trường ưa chuộng, cứ đầu vụ, cuối vụ thì giá bán có thể lên đến 35.000 đồng/kg, còn bình thường thì dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Một số hộ trồng số lượng ít thì bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện Bố Trạch và TP. Đồng Hới để có giá bán cao hơn; những hộ trồng nhiều thì thường bán cho thương lái thu mua.
 
Trồng kiệu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại hoa màu khác nhưng người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, nguồn giống, thời tiết… Được biết, hiện nguồn giống của bà con vẫn phải thu mua từ nơi khác về với giá khá cao (60.000 đồng/kg kiệu giống), một số hộ có trồng cây giống nhưng chất lượng giống không ổn định, nhiều vụ nắng hạn, kiệu không cho củ, về lâu dài nguồn giống bị thoái hóa.
Toàn xã Tây Trạch đã chuyển đổi gần 20ha đất trồng lúa, cao su kém hiệu quả sang trồng kiệu.
Toàn xã Tây Trạch đã chuyển đổi gần 20ha đất trồng lúa, cao su kém hiệu quả sang trồng kiệu.
Bên cạnh đó, hiện diện tích trồng kiệu ở Tây Trạch ngày càng mở rộng nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định. Mặc dù UBND xã Tây Trạch đã trực tiếp liên hệ với các đại lý lớn trong huyện thu mua sản phẩm cho bà con nhưng vẫn bị ép giá thấp nên nhiều người thường đem trực tiếp tới chợ để bán hoặc bán cho thương lái. Ngoài ra, tuy cây kiệu dễ trồng nhưng cũng rất nhạy cảm với thời tiết, hiện địa phương chỉ trồng kiệu phục vụ Tết, thời gian còn lại phải luân canh cây trồng khác. Năm nay, mưa lũ kéo dài gây ngập úng nên gần 7ha trồng kiệu của bà con bị thối giống, cây chậm phát triển.
 
Ông Dương Thanh Luyện, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch cho biết: "Để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích bà con nông dân nhân rộng mô hình trồng kiệu, tiến tới xây dựng cánh đồng chuyên canh trồng kiệu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ cố gắng liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất yên tâm về đầu ra sản phẩm".
 
Nhằm phát triển bền vững nghề trồng kiệu, người dân rất mong các ban, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây kiệu và tạo nguồn giống chất lượng; đồng thời, xây dựng thành công thương hiệu "Kiệu Tây Trạch". Mặt khác, nông dân cũng cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để chế biến củ kiệu tươi thành kiệu muối đóng hộp để mở rộng thị trường, chủ động đầu ra và tăng thêm giá trị cho cây kiệu.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Năm 2020, toàn tỉnh có gần 14.000 ô tô đăng ký mới
Năm 2020, toàn tỉnh có gần 14.000 ô tô đăng ký mới

(QBĐT) - Ngày 8-1-2021, tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, năm 2020, do thực hiện chính sách giảm thuế trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước nên lượng xe ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh đạt gần 14.000 xe.

Xã Quảng Văn: Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống
Xã Quảng Văn: Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống

(QBĐT) - Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Bình đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, ở xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn), các nghề truyền thống đang phát triển tương đối ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Giá vàng thế giới đi xuống trước đà tăng của đồng USD
Giá vàng thế giới đi xuống trước đà tăng của đồng USD
Trong phiên giao dịch 7-1, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.913,87 USD/ounce, còn giá vàng giao dịch kỳ hạn đóng phiên ở mức 1.913,60 USD/ounce.