(QBĐT) - Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và của tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), Sở Công thương đã triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất hoạt động, chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường…
Công ty CP chế biến nông sản Tamico có địa chỉ tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới. Nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, công ty đã triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng dây chuyền sấy nông sản công nghệ cao với tổng số vốn 10,5 tỷ đồng. Dây chuyền được xây dựng với công suất đạt 17.000 tấn/năm, sản xuất, chế biến các loại nông sản, như: lạc, ngô, lúa, phụ phẩm chăn nuôi…, từ đó, hướng đến hình thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản có quy mô lớn trong khu vực các tỉnh Bắc miền Trung.
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm KC-XTTM cho biết: “Thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2020, Trung tâm KC-XTTM đã triển khai hỗ trợ 950 triệu đồng cho Công ty CP chế biến nông sản Tamico trong việc xây dựng dây chuyền sấy nông sản công nghệ cao”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Tamico, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành địa phương và nỗ lực của đơn vị, hiện nay, dây chuyền sấy nông sản công nghệ cao đã cơ bản hoàn thành giai đoạn vận hành thử nghiệm. Ưu điểm của dây chuyền sấy nông sản công nghệ cao là không phải chịu sự chi phối của điều kiện thời tiết, hạn chế tối đa việc hao hụt sản lượng. Đặc biệt, với công nghệ sấy hiện đại, các sản phẩm nông sản sẽ được tăng thêm thời gian bảo quản và duy trì chất lượng sản phẩm…
![]() |
Bên cạnh việc gia công, sấy khô các sản phẩm nông sản, hiện, Công ty CP chế biến nông sản Tamico đang chú trọng phát triển sản phẩm dầu lạc. Công ty sẽ đầu tư, phát triển nhãn mác, bao bì và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dầu lạc, với mục tiêu hướng đến là thị trường xuất khẩu các nước, như: Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… và các đại lý, nhà phân phối lớn trên phạm vi toàn quốc.
Với đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm nông sản, năm 2020, Trung tâm KC-XTTM đã hỗ trợ 900 triệu đồng cho các đơn vị, gồm: Công ty TNHH nông nghiệp xanh Quảng Bình, HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến. Sau khi được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ, các đơn vị thụ hưởng đã thực hiện đầu tư đổi mới thiết bị, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông dân, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Trung tâm KC-XTTM luôn tích cực rà soát, thẩm định, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đủ điều kiện làm thủ tục để triển khai hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình khuyến công quốc gia, địa phương.
Theo báo cáo của Trung tâm KC-XTTM, năm 2020, Trung tâm đã triển khai thực hiện có hiệu quả 6 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,1 tỷ đồng. Cùng với việc triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sấy nông sản công nghệ cao tại Công ty TNHH CP chế biến nông sản Tamico; 3 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất; Trung tâm đã tổ chức thành công hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XI, năm 2020; hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020.
Với nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm đã tư vấn hướng dẫn cho 32 cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện tư vấn hỗ trợ các đơn vị, cơ sở tiểu thủ công nghiệp về chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong việc tiếp cận nguồn kinh phí của địa phương và quốc gia; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh…
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm KC-XTTM cho biết, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, Trung tâm KC-XTTM đã tham mưu các cấp thẩm định, phê duyệt, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT về hoạt động trình diễn kỹ thuật, đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua thời gian triển khai đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT địa phương đang ở giai đoạn hình thành hoặc đã đi vào hoạt động ổn định mạnh dạn mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lê Mai