Tích cực phòng, chống rét cho đàn vật nuôi

  • 03:12, 29/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh trời chuyển rét đậm và có mưa. Để phòng, chống rét cho vật nuôi, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
 
Những ngày trời chuyển lạnh, có lúc rét đậm, gia đình bà Tạ Thị Hoa, thôn Hà Tiến, xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) đã chủ động có những biện pháp chống rét cho đàn gia súc.
 
Bà Hoa chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 con bò và 4 con lợn. Đây là tài sản lớn của gia đình nên ngay từ cuối tháng 11, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, tôi đã gia cố, che chắn chuồng trại bằng bạt để ngăn không cho gió lạnh làm ảnh hưởng đến đàn gia súc. Gia đình tôi cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô, cây chuối và thức ăn tinh bột để sử dụng cho vật nuôi trong những ngày rét. Đồng thời, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại để nền chuồng khô thoáng”.
 
Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Quảng Trạch, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 66.250 con, trong đó có 4.136 con trâu, 16.262 con bò, 41.654 con lợn. Để giúp nông dân phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã có các công văn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Phòng cũng cử cán bộ đến tận cơ sở kiểm tra tình hình, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét và tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tránh tình trạng để đàn vật nuôi bị đói, rét.
Người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) đã giữ trữ rơm khô cho đàn vật nuôi ngay từ đầu mùa đông.
Người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) đã giữ trữ rơm khô cho đàn vật nuôi ngay từ đầu mùa đông.
Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là thế mạnh của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Những năm gần đây, số lượng đàn vật nuôi của huyện liên tục tăng, toàn huyện hiện có 2.980 con trâu, 5.771 con bò, 27.904 con lợn và 324.484 con gia cầm. Chính vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa giá rét được huyện Quảng Ninh chú trọng. Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; huyện cũng thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, kiểm tra và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.
 
“Việc chủ động, tích cực trong chỉ đạo của chính quyền địa phương, cùng với ý thức của người dân trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi sẽ hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân”, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho hay.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Người dân tại một số bản miền núi trên địa bàn huyện thường có thói quen thả rông gia súc trên rừng. Do đó, những năm trước đây, trên địa bàn huyện thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết mỗi khi rét đậm, rét hại kéo dài, gây thiệt hại đến đời sống của bà con. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức cũng như tập quán chăn nuôi của người dân. Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại”.
 
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện toàn tỉnh có 32.788 con trâu, 100.577 con bò, 213.735 con lợn và trên 3,1 triệu con gia cầm. Thời tiết trở rét, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đề kháng của đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Để phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp-PTNT đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống rét, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
 
Theo đó, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm cung cấp thức ăn tại chuồng không để trâu, bò bị đói, khát; nhốt trâu, bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu bò; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý xác gia súc chết và chất thải vật nuôi theo quy định.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã có công văn tham mưu cho Sở Nông nghiệp-PTNT về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho vật nuôi vụ đông-xuân. Thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển đàn vật nuôi, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
 
Để bảo đảm đàn vật nuôi không bị đói, rét, dịch bệnh, người dân cần chủ động sửa chữa, gia cố chuồng trại, giữ ấm cho đàn vật nuôi; không chăn thả vật nuôi những ngày nhiệt độ xuống thấp, có biện pháp sưởi ấm để tránh rét; dự trữ đủ thức ăn cho vật nuôi; cho vật nuôi ăn, uống thức ăn ấm, bảo đảm chất lượng và tăng khẩu phần ăn hàng ngày. Người dân cần chấp hành nghiêm công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm thiểu tối đa dịch bệnh thường phát sinh trên đàn vật nuôi khi giao mùa và thời tiết thay đổi bất thường. Người chăn nuôi thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc vật nuôi cho phù hợp.
 
L.Chi

tin liên quan

TX. Ba Đồn: Phát triển chợ truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
TX. Ba Đồn: Phát triển chợ truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Do làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư nâng cấp, đến nay, nhiều chợ nông thôn ở TX. Ba Đồn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Không chỉ mở rộng giao lưu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hệ thống chợ nông thôn còn giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng doanh thu trong các khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 141%
Tổng doanh thu trong các khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 141%

(QBĐT) - Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KKT, khu công nghiệp (KCN)  trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 đạt được kết quả khả quan với tổng doanh thu khoảng 4.600 tỷ đồng, đạt 141% so với cùng kỳ năm 2019.

Cấp xuất hạt giống cây trồng khôi phục sản xuất sau thiên tai
Cấp xuất hạt giống cây trồng khôi phục sản xuất sau thiên tai

(QBĐT) - Để nông dân khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, ngày 18-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2144/QĐ-TTg về việc xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa bị thiệt hại do thiên tai năm 2020.