Minh Hóa: Chủ động sản xuất đông-xuân trước diễn biến phức tạp của thời tiết

  • 02:12, 18/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với huyện miền núi Minh Hóa, đông-xuân là vụ sản xuất chủ lực, quan trọng nhất trong năm. Tuy nhiên, bước vào vụ đông-xuân 2020-2021, địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là hậu quả của trận lũ lịch sử vừa qua. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và bà con nông dân huyện Minh Hóa đang chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho một vụ mùa thắng lợi…
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Minh Hóa, vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Minh Hóa có kế hoạch gieo trồng gần 3.000ha cây trồng các loại, trong đó, cây lúa 492ha, cây ngô 791,5ha, cây lạc trên 909ha, cây sắn 556,8ha...
 
Những năm trước, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Minh Hóa đều đã được bà con nông dân tiến hành cày ải và vệ sinh đồng ruộng, nhưng năm nay nhiều cánh đồng trồng lúa, ngô, lạc ở các xã Trung Hóa, Minh Hóa, Tân Hóa… vẫn đang bị ướt sũng nước, chưa sản xuất được.
 
Ông Đinh Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, ngay sau khi nước lũ rút, xã Tân Hóa đã tập trung chỉ đạo bà con vệ sinh đồng ruộng. Tuy nhiên, do Tân Hóa là vùng “rốn lũ”, thời gian ngâm nước lâu, nên hiện tại, phần lớn diện tích đất sản xuất vụ đông-xuân của xã vẫn chưa thể cày ải. Mặc dù vậy, để kịp thời ổn định cuộc sống sau lũ, xã cũng đã khuyến khích bà con làm đất ở các thửa ruộng cao gần lèn đá, trong vườn nhà để trồng các loại rau xanh… phục vụ bữa ăn hàng ngày và có thêm nguồn thu nhập sau mưa lũ.
Bà con nông dân xã Tân Hóa tận dụng những thửa đất cao trong vườn nhà để trồng rau xanh, phục vụ bữa ăn hàng ngày, thu nhập thêm sau lũ.
Bà con nông dân xã Tân Hóa tận dụng những thửa đất cao trong vườn nhà để trồng rau xanh, phục vụ bữa ăn hàng ngày, thu nhập thêm sau lũ.
Cùng với đó, trận lũ lịch sử giữa tháng 10-2020 cũng đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Minh Hóa bị mất do đất đá bồi lấp, sạt lở ở khe suối. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau trận lũ đã có hàng chục hecta đất sản xuất nông nghiệp bị biến mất do sạt lở, trong đó, các xã mất diện tích đất lớn, như: Hóa Tiến (8ha); Tân Hóa (2ha); Thượng Hóa (5ha)…
 
Ngoài ra, trận lũ cũng đã làm hệ thống kênh mương, nhiều máy làm đất trên địa bàn huyện Minh Hóa bị hư hỏng…Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, không khí lạnh với cường độ mạnh, kèm mưa dầm, đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021.
 
Trước tình hình đó, UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết lịch thời vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết. Đồng thời, phòng hướng dẫn bà con tranh thủ làm đất theo phương thức cuốn chiếu, cánh đồng nào khô ráo thì làm trước, chỗ nào đất còn ướt nước thì làm sau. Huyện Minh Hóa đã kịp thời đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi bị hư hỏng sau lũ, nạo vét hệ thống kênh mương, để đưa nước về các cánh đồng, phục vụ nhu cầu làm đất của nông dân…
Trận lũ lịch sử giữa tháng 10 đã làm sạt lở hệ thống sông, suối, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Minh Hóa bị mất.
Trận lũ lịch sử giữa tháng 10 đã làm sạt lở hệ thống sông, suối, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện Minh Hóa bị mất.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa cho biết, vụ đông-xuân 2020-2021, huyện tập trung đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ bản hình thành nền sản xuất hàng hóa theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Minh Hóa khuyến khích các địa phương tùy theo từng chất đất canh tác mà bố trí các loại giống cây trồng cho phù hợp, bảo đảm thích hợp với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; chú trọng chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa, tăng mạnh giống chất lượng, trung, ngắn ngày có tính chống chịu tốt vào sản xuất thâm canh.
 
“Trong bối cảnh nông dân trong toàn huyện, đặc biệt là các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa, vừa trải qua trận lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề, để kịp thời vụ sản xuất, từ nguồn giống dự trữ quốc gia và Công ty CP Giống cây trồng Quảng Bình, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ nhân dân một số lượng lớn hạt giống, như: ngô, các loại rau... Đồng thời, huyện cũng đang đề xuất cấp trên tiếp tục hỗ trợ các loại giống lúa, ngô, lạc…cho nông dân bảo đảm đủ giống cho vụ sản xuất đông-xuân.
 
Cùng với đó, huyện Minh Hóa khuyến khích bà con nông dân tận dụng hết diện tích đất để sản xuất, tránh tình trạng nhiều diện tích đất bị bỏ hoang như những năm trước đây; chủ động chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn”, bà Bê chia sẻ.
 
Phan Phương

tin liên quan

Liên kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình-Lào Cai
Liên kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình-Lào Cai

(QBĐT) - Ngày 17-12, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lào Cai tổ chức buổi làm việc về trao đổi, học tập kinh nghiệm và liên kết phát triển du lịch Quảng Bình-Lào Cai.

Tạo "sức bật" từ sản phẩm OCOP
Tạo "sức bật" từ sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Năm 2018, TP. Đồng Hới thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt chương trình OCOP). Trên cơ sở đó, thành phố triển khai cho các địa phương, vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ (gọi chung là các chủ thể) đăng ký và xây dựng sản phẩm đặc trưng, có lợi thế. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn.

Giá đồng tiền ảo Bitcoin lần đầu tiên vượt mức 20.000 USD
Giá đồng tiền ảo Bitcoin lần đầu tiên vượt mức 20.000 USD
Với mức giá này, giá trị đồng Bitcoin trong một năm qua đã tăng 170% mà nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao của giới đầu tư đối với đồng tiền này xuất phát từ tiềm năng thu lợi nhuận nhanh chóng.