(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Quảng Ninh xây dựng kế hoạch gieo trồng 5.200ha lúa và gần 1.000ha cây trồng các loại. Với việc chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt trong sử dụng cơ cấu giống và lịch thời vụ, nông dân huyện Quảng Ninh đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm bảo đảm một vụ mùa đông-xuân thắng lợi.
Năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn. Nắng hạn kéo dài từ đầu năm đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển các cây trồng, vật nuôi. Nhiều diện tích đất không gieo cấy được và mất trắng; kèm theo đó là nạn chuột phát triển mạnh gây hại nặng trên lúa hè-thu… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng với tổng sản lượng lương thực đạt 50.003 tấn (tăng 267 tấn so với cùng kỳ và so tăng 723 tấn so với kế hoạch); năng suất lúa đạt 62,18 tạ/ha.
Cùng với đó, công tác chuyển đổi cây trồng được quan tâm triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, như: Hàm Ninh, Hiền Ninh, Lương Ninh, Xuân Ninh, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài nhưng người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, mướp đắng, dưa leo đem lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha.
![]() |
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, bước vào mùa vụ 2020-2021, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Riêng vụ đông-xuân, huyện dự kiến gieo trồng với tổng diện tích lúa khoảng 5.200ha, sản lượng 32.240 tấn; ngô 30ha; sắn 520ha và các loại cây trồng khác…; đồng thời, chuyển đổi một số diện tích cây trồng trên đất lúa thiếu nước, đất lúa năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác cho năng suất cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: "Khó khăn của huyện Quảng Ninh hiện nay khi sản xuất vụ đông-xuân chính là những diễn biến bất thường của thời tiết. Gió mùa kèm mưa khiến đất nhiều nơi vẫn bị ướt, chưa thể canh tác. Đặc biệt, ảnh hưởng của trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua khiến cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng, trên 20km kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 27 trạm bơm và trên 20km kè bị sạt lở gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp".
Xác định vụ đông-xuân là vụ mùa có ý nghĩa rất quan trọng, hiện huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp-PTNT xây dựng khung lịch thời vụ theo phương châm làm đất nhanh gọn, triển khai gieo cấy sớm; quan tâm chỉ đạo cải tạo, tu sửa hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Huyện cũng đã có kế hoạch hướng dẫn chi nhánh thủy nông trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý ngay từ đầu vụ.
Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện Quảng Ninh chú trọng triển khai các giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống. Theo đó, huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp-PTNT tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên cơ sở phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%. Cụ thể, đối với vụ đông-xuân, huyện Quảng Ninh ưu tiên cơ cấu các giống trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, như: P6, TBR1, lúa lai..., vào sản xuất tại các diện tích thấp trũng ở các xã: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra.
Các xã: Gia Ninh, Võ Ninh, Vạn Ninh gieo trồng sớm tại vùng ruộng sâu để tránh bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá gây hại cuối vụ; không bố trí sản xuất các giống nhiễm, như: P6, VN20 ở những vùng thường bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Trên tinh thần chỉ đạo chung, các xã, thị trấn đã chỉ đạo bà con nhân dân gieo trồng các giống lúa theo bộ giống của tỉnh, huyện. Mỗi xã chỉ cơ cấu 3-4 loại giống vừa tạo điều kiện cho đầu tư thâm canh vừa hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh và dịch hại trên đồng ruộng.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho hay, vụ đông-xuân năm nay, xã tiến hành gieo cấy trên diện tích 600ha, chủ yếu là giống lúa VN20 dễ canh tác, năng suất cao và ít sâu mọt. Mặc dù nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn xã bị hư hỏng do lũ, nhưng bà con đã tập trung, làm đến đâu khắc phục đến đó để bảo đảm vụ mùa gieo trồng.
“Hiện nay, huyện Quảng Ninh đã phân bổ 2,2 tấn giống rau củ các loại từ nguồn dự trữ quốc gia và các nguồn hỗ trợ khác cho nhân dân các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt gieo trồng vụ đông và vụ đông-xuân. Riêng về giống lúa, ngoài nguồn hỗ trợ 24 tấn từ các tổ chức, đơn vị trao cho bà con vùng lũ, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp nhận thêm khoảng 108 tấn lúa giống từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh. Bà con hiện đang khẩn trương tiến hành các khâu làm đất, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện để xuống giống trước ngày 25-12 theo đúng lịch, nhằm bảo đảm một vụ mùa may mắn, thắng lợi”, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh chia sẻ thêm.
Thanh Hải