Hội Nông dân Minh Hóa: Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

  • 08:12, 22/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, Hội Nông dân huyện Minh Hóa đã tích cực thi đua lao động sản xuất, hình thành những mô hình kinh tế đa dạng cho hiệu quả cao.
 
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Minh Hóa Đinh Thị Kim Quý cho biết: Xác định thực hiện tốt phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
 
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp huyện Minh Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa phong trào, quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) để đăng ký, phấn đấu.
 
Hội tập trung triển khai các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, của tỉnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ, tuyên truyền hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai, lao động, nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế, tăng thu nhập. 
 
Ở Xuân Hóa có một nông dân linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, đó là anh Đinh Xuân Tứ (SN 1983) ở thôn Cây Da. Từ hai bàn tay trắng, anh đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững. 
 
Anh Tứ cho biết, trước đây, gia đình anh còn là hộ nghèo, bố anh là bộ đội sau khi rời quân ngũ sức khỏe yếu, mẹ anh hàng ngày bươn chải kiếm sống với gánh hàng rong trên vai, cộng với khai hoang đất trồng ngô, trồng lúa để nuôi 3 người con ăn học. Là anh cả trong nhà, anh Tứ cũng lam lũ làm việc phụ giúp mẹ. Đến năm 2015, gia đình mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để mua 3 con bò cái giống về nuôi, đến nay đã nhân đàn lên 8 con. Năm 2017, gia đình bán được 2 con thu về 34 triệu đồng. Từ nguồn tiền bán bò, anh Tứ quyết định đầu tư nuôi ong lấy mật.
Mô hình kinh tế của anh Đinh Xuân Tứ ở xã Xuân Hóa phát huy hiệu quả.
Mô hình kinh tế của anh Đinh Xuân Tứ ở xã Xuân Hóa phát huy hiệu quả.
Mới đầu chỉ có 5 đàn ong, dần quen tay và quyết tâm nhân đàn, đến nay, anh đã nhân lên trên 130 đàn. Với vị trí nuôi và thời tiết thuận lợi, lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong của anh cho nhiều mật. Trung bình mỗi tháng, mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 3 đến 4 lần tùy theo thời tiết. Mật quay đến đâu được người dân đặt mua hết đến đấy, mỗi lít mật anh bán từ  200.000-250.000 đồng. Ngoài nuôi ong, anh còn chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng kinh tế với tổng quy mô diện tích trên 2ha. Thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí đạt trên 95 triệu đồng, bình quân mỗi lao động trong gia đình thu nhập trên 47 triệu đồng. Anh đang nghiên cứu, học hỏi để phát triển mô hình nuôi chồn hương.
 
Năm 2020, có 2.094 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp được Hội Nông dân huyện Minh Hóa bình xét. Đây cũng là kết quả mà Hội Nông dân huyện Minh Hóa đã đạt được khi phát động phong trào thi đua SXKDG. Để phong trào ngày càng phát triển mạnh, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi hội viên, các cấp Hội Nông dân cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo để hỗ trợ, tạo động lực cho hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm.
 
Hội đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng. Để phong trào đi vào chiều sâu, phát triển về chất và tạo điều kiện cho các hội viên đạt được danh hiệu đã đăng ký, hàng năm, các cấp Hội Nông dân huyện Minh Hóa chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
 
Trong năm 2020, hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 21 lớp tập huấn, dạy nghề cho 1.630 hội viên về trồng và khai thác rừng trồng; nuôi và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật làm chổi đót; kỹ thuật chế biến món ăn...; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
 
Hội còn chủ động làm tốt công tác huy động các nguồn vốn hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất. Các cấp hội tiếp tục triển khai đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH quản lý 124 tổ tiết kiệm và vaạyvốn với 5.684 thành viên, tổng dư nợ 179.766 triệu đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,06%. Đồng thời, hội đã thành lập được 2 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả tại xã Hóa Hợp và Hóa Thanh, đây là tiền đề để nông dân liên kết, bao tiêu sản phẩm.
 
Phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn huyện Minh Hóa thời gian qua đã tác động tích cực tới những hộ nông dân, giúp họ đổi mới tư duy, suy nghĩ cũng như cách làm để áp dụng các loại cây, con giống có năng suất và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)

tin liên quan

Bố Trạch: Đề nghị tỉnh công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Bố Trạch: Đề nghị tỉnh công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới

(QBĐT) - Năm 2020, huyện Bố Trạch đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện chú trọng rà soát thực trạng các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới và triển khai biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, kịp thời phục vụ sản xuất
Khắc phục hậu quả lũ lụt, kịp thời phục vụ sản xuất

(QBĐT) - Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nghiêm trọng, trong đó có nhiều công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý.

Lệ Thủy: Có 6 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia hội thi phân hạng cấp tỉnh
Lệ Thủy: Có 6 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia hội thi phân hạng cấp tỉnh

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực trong triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có 6 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia hội thi phân hạng cấp tỉnh.