(QBĐT) - Sau khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, huyện Bố Trạch đã tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn.
![]() |
Trong năm 2020, Bố Trạch có 13 hợp tác xã (HTX) mới đăng ký thành lập. Tính đến nay, toàn huyện có 39 HTX, 7 Quỹ tín dụng nhân dân chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; duy trì và củng cố 136 tổ hợp tác (THT) và có 93 trang trại đạt cả hai tiêu chí về qui mô sản xuất và giá trị hàng hoá.
Các thành phần kinh tế tập thể trên toàn huyện có bước phát triển, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nhiều mô hình THT, HTX, kinh tế trang trại, liên kết hộ trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ đó, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 3.175 lao động; nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 43,6 triệu đồng/người/năm 2019 lên 48,1 triệu đồng/người/năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, quy mô doanh nghiệp của huyện còn nhỏ, năng lực tài chính và sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao; kinh tế HTX và THT chưa phát huy được vai trò và vị trí.
Thời gian tới, Bố Trạch tiếp tục chú trọng củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác; hỗ trợ thành lập mới, đào tạo bồi dưỡng, xúc tiến thương mại,... để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hương Trà