![]() |
"Bật công tắc" cho kinh tế đêm Quảng Bình
(QBĐT) - Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển”, tiếp đó, ngày 1-10-2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch “Phát triển kinh tế đêm ở Quảng Bình” với những mục tiêu, giải pháp và quan điểm thực hiện cụ thể, phù hợp thực tiễn. Quảng Bình đang có những bước chuyển đầu tiên để kinh tế đêm thực sự trở thành động lực phát triển, khai thác “mỏ vàng” tiềm năng từ khách du lịch, góp phần xóa bỏ lối “du lịch thời vụ”.
Ngay từ năm 2013, dự án “Chợ đêm Đồng Hới” được khởi động dọc theo đường Hương Giang do Công ty TNHH Mai Hoa Kim (trụ sở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đầu tư hướng tới mục tiêu quảng bá mô hình chợ đêm cho người dân và du khách, qua đó, thu hút sự đầu tư tham gia của các tiểu thương. Quan trọng hơn, từ dự án, một mô hình phát triển kinh tế đêm sẽ được định hình, mang lại luồng gió mới và nhiều cơ hội cho các dự án “thức tỉnh” thành phố về đêm.
Tuy nhiên, chỉ một vài tháng triển khai, Công ty TNHH Mai Hoa Kim đã có công văn gửi UBND TP. Đồng Hới xin tạm nghỉ hoạt động chợ đêm với lý do chợ đêm không thu hút được nhiều hộ tiểu thương tham gia như kỳ vọng, địa điểm lại nằm xa trung tâm thành phố, xa khu dân cư và ít người qua lại về đêm. Bất chấp sự nỗ lực từ nhiều phía, dự án vẫn gặp không ít khó khăn về địa điểm tổ chức, giải pháp thu hút khách du lịch, sự tham gia của tiểu thương...
Tháng 2-2020, TP. Đồng Hới tiếp tục triển khai đề án “Tổ chức phố đi bộ tại các tuyến đường Phan Bội Châu, đường Đồng Hải và đường Nguyễn Du”. Ông Hoàng Thế Việt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, UBND TP. Đồng Hới cho biết, mục tiêu của đề án chính là góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm thành phố; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch thông qua việc mua sắm, sử dụng dịch vụ của du khách, tạo động lực cho các hoạt động giao lưu văn hóa, giải trí và phát triển; khắc phục tình trạng thiếu địa điểm vui chơi, giải trí và hoạt động về đêm của khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng nguồn thu từ khách du lịch; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư…
Trên thực tế, trước đây, trong nhiều năm, trên địa bàn thành phố đã tự phát hình thành “Khu ẩm thực” tại các đường Nguyễn Du-Phan Bội Châu (phường Đồng Hải) và đường Đồng Hải (phường Hải Thành). Đây là những tuyến đường chuyên phục vụ khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thường xuyên tập trung ăn uống, giao lưu, vui chơi giải trí sôi nổi. Do đó, ngay từ đầu, công tác lựa chọn địa điểm phố đi bộ là rất phù hợp, góp phần chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa “sản phẩm du lịch đêm” đầy tiềm năng này.
Hiện nay, một số công trình, hạng mục phục vụ cho tuyến phố đi bộ đã hoàn thành, như: bãi đỗ xe, xử lý cống rãnh, hố ga, hệ thống điện… Sắp tới, một số hạng mục khác sẽ được triển khai, kịp thời đưa phố đi bộ hoạt động thử nghiệm vào Tết Dương lịch 2021. Bên cạnh ẩm thực đường phố, tham quan mua sắm đặc sản địa phương…, phố đi bộ còn được bố trí không gian cho âm nhạc đường phố thu hút giới trẻ và hội Bài chòi cho người dân địa phương, du khách mong muốn khám phá các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Theo ông Hoàng Thế Việt, phố đi bộ chính là bước đi đầu tiên của TP. Đồng Hới trong việc phát triển kinh tế với các dịch vụ về đêm, từ đó, ngành Du lịch thành phố sẽ mạnh dạn tận dụng lợi thế từ các cơ chế thông thoáng để phát triển các điểm vui chơi hấp dẫn, sản phẩm du lịch giải trí ấn tượng, mang phong cách đặc trưng, đưa thành phố thực sự trở thành điểm đến về đêm năng động, thú vị, hút khách du lịch.
Huyện Bố Trạch cũng đang sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Với lượng khách du lịch đổ về lớn, nhất là khách nước ngoài, thị trấn Phong Nha về đêm thực sự khá sôi động. Tuy nhiên, các loại hình vui chơi, giải trí, khám phá văn hóa dân gian truyền thống lại rất ít ỏi, đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn để du khách kéo dài thời gian lưu trú.
Ông Bùi Quốc Thanh, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, UBND huyện Bố Trạch cho biết, Bố Trạch hiện chưa xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm, nhưng về ý tưởng triển khai đã được hình thành. Theo đó, trong tương lai gần, huyện sẽ triển khai cầu đi bộ, chợ đêm dọc sông Son ở khu vực thị trấn Phong Nha, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế đêm của Phong Nha-Kẻ Bàng.
Mới đây, huyện Bố Trạch cũng đã tiến hành các bước khảo sát, triển khai các đề án thành lập làng du lịch Bồng Lai (xã Hưng Trạch) và làng văn hóa du lịch Cự Nẫm. Đây chính là cơ hội, tạo tiền đề để Bố Trạch có các bước đi chiến lược trong việc khai thác tiềm năng kinh tế đêm của địa phương, tránh bỏ ngỏ “kho vàng” du lịch chưa được khai phá hiệu quả.
Kế hoạch “Phát triển kinh tế đêm ở Quảng Bình” hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, hòa nhập xã hội cho người dân; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng sử dụng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày; mang lại nhiều cơ hội phát triển nhiều ngành nghề mới, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống... Qua đó, thu hút nhân tài, giới kinh doanh, khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Quảng Bình trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra để tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Nhưng, tựu trung lại, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và mạnh dạn thử nghiệm những cái mới của các địa phương trong phát triển kinh tế đêm chính là “công tắc” để “bật” sự phát triển của kinh tế đêm Quảng Bình, dựa trên cơ sở nền tảng là những tiềm năng, thế mạnh vốn có, sự cởi mở của cơ chế chính sách và sự am tường hiểu rõ địa phương.
Mai Nhân
(QBĐT) - Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển”, tiếp đó, ngày 1-10-2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch “Phát triển kinh tế đêm ở Quảng Bình” với những mục tiêu, giải pháp và quan điểm thực hiện cụ thể, phù hợp thực tiễn. Quảng Bình đang có những bước chuyển đầu tiên để kinh tế đêm thực sự trở thành động lực phát triển, khai thác “mỏ vàng” tiềm năng từ khách du lịch, góp phần xóa bỏ lối “du lịch thời vụ”.
Ngay từ năm 2013, dự án “Chợ đêm Đồng Hới” được khởi động dọc theo đường Hương Giang do Công ty TNHH Mai Hoa Kim (trụ sở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đầu tư hướng tới mục tiêu quảng bá mô hình chợ đêm cho người dân và du khách, qua đó, thu hút sự đầu tư tham gia của các tiểu thương. Quan trọng hơn, từ dự án, một mô hình phát triển kinh tế đêm sẽ được định hình, mang lại luồng gió mới và nhiều cơ hội cho các dự án “thức tỉnh” thành phố về đêm.
Tuy nhiên, chỉ một vài tháng triển khai, Công ty TNHH Mai Hoa Kim đã có công văn gửi UBND TP. Đồng Hới xin tạm nghỉ hoạt động chợ đêm với lý do chợ đêm không thu hút được nhiều hộ tiểu thương tham gia như kỳ vọng, địa điểm lại nằm xa trung tâm thành phố, xa khu dân cư và ít người qua lại về đêm. Bất chấp sự nỗ lực từ nhiều phía, dự án vẫn gặp không ít khó khăn về địa điểm tổ chức, giải pháp thu hút khách du lịch, sự tham gia của tiểu thương...
Tháng 2-2020, TP. Đồng Hới tiếp tục triển khai đề án “Tổ chức phố đi bộ tại các tuyến đường Phan Bội Châu, đường Đồng Hải và đường Nguyễn Du”. Ông Hoàng Thế Việt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, UBND TP. Đồng Hới cho biết, mục tiêu của đề án chính là góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm thành phố; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch thông qua việc mua sắm, sử dụng dịch vụ của du khách, tạo động lực cho các hoạt động giao lưu văn hóa, giải trí và phát triển; khắc phục tình trạng thiếu địa điểm vui chơi, giải trí và hoạt động về đêm của khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng nguồn thu từ khách du lịch; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư…
Trên thực tế, trước đây, trong nhiều năm, trên địa bàn thành phố đã tự phát hình thành “Khu ẩm thực” tại các đường Nguyễn Du-Phan Bội Châu (phường Đồng Hải) và đường Đồng Hải (phường Hải Thành). Đây là những tuyến đường chuyên phục vụ khách du lịch, nhất là khách nước ngoài thường xuyên tập trung ăn uống, giao lưu, vui chơi giải trí sôi nổi. Do đó, ngay từ đầu, công tác lựa chọn địa điểm phố đi bộ là rất phù hợp, góp phần chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa “sản phẩm du lịch đêm” đầy tiềm năng này.
Hiện nay, một số công trình, hạng mục phục vụ cho tuyến phố đi bộ đã hoàn thành, như: bãi đỗ xe, xử lý cống rãnh, hố ga, hệ thống điện… Sắp tới, một số hạng mục khác sẽ được triển khai, kịp thời đưa phố đi bộ hoạt động thử nghiệm vào Tết Dương lịch 2021. Bên cạnh ẩm thực đường phố, tham quan mua sắm đặc sản địa phương…, phố đi bộ còn được bố trí không gian cho âm nhạc đường phố thu hút giới trẻ và hội Bài chòi cho người dân địa phương, du khách mong muốn khám phá các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Theo ông Hoàng Thế Việt, phố đi bộ chính là bước đi đầu tiên của TP. Đồng Hới trong việc phát triển kinh tế với các dịch vụ về đêm, từ đó, ngành Du lịch thành phố sẽ mạnh dạn tận dụng lợi thế từ các cơ chế thông thoáng để phát triển các điểm vui chơi hấp dẫn, sản phẩm du lịch giải trí ấn tượng, mang phong cách đặc trưng, đưa thành phố thực sự trở thành điểm đến về đêm năng động, thú vị, hút khách du lịch.
Huyện Bố Trạch cũng đang sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Với lượng khách du lịch đổ về lớn, nhất là khách nước ngoài, thị trấn Phong Nha về đêm thực sự khá sôi động. Tuy nhiên, các loại hình vui chơi, giải trí, khám phá văn hóa dân gian truyền thống lại rất ít ỏi, đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn để du khách kéo dài thời gian lưu trú.
Ông Bùi Quốc Thanh, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, UBND huyện Bố Trạch cho biết, Bố Trạch hiện chưa xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm, nhưng về ý tưởng triển khai đã được hình thành. Theo đó, trong tương lai gần, huyện sẽ triển khai cầu đi bộ, chợ đêm dọc sông Son ở khu vực thị trấn Phong Nha, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế đêm của Phong Nha-Kẻ Bàng.
Mới đây, huyện Bố Trạch cũng đã tiến hành các bước khảo sát, triển khai các đề án thành lập làng du lịch Bồng Lai (xã Hưng Trạch) và làng văn hóa du lịch Cự Nẫm. Đây chính là cơ hội, tạo tiền đề để Bố Trạch có các bước đi chiến lược trong việc khai thác tiềm năng kinh tế đêm của địa phương, tránh bỏ ngỏ “kho vàng” du lịch chưa được khai phá hiệu quả.
Kế hoạch “Phát triển kinh tế đêm ở Quảng Bình” hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, hòa nhập xã hội cho người dân; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là giảm hiện tượng sử dụng quá tải cơ sở hạ tầng vào ban ngày; mang lại nhiều cơ hội phát triển nhiều ngành nghề mới, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống... Qua đó, thu hút nhân tài, giới kinh doanh, khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Quảng Bình trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra để tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Nhưng, tựu trung lại, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và mạnh dạn thử nghiệm những cái mới của các địa phương trong phát triển kinh tế đêm chính là “công tắc” để “bật” sự phát triển của kinh tế đêm Quảng Bình, dựa trên cơ sở nền tảng là những tiềm năng, thế mạnh vốn có, sự cởi mở của cơ chế chính sách và sự am tường hiểu rõ địa phương.
Mai Nhân