(QBĐT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống. Thời gian qua, các làng nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trước những thay đổi của cơ chế thị trường, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm… Để duy trì và thúc đẩy làng nghề phát triển, cùng với sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, các làng nghề đang nỗ lực tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, theo các quyết định công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh năm 2008, 2010 và 2015, hiện nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; trong đó, có 19 làng nghề (chiếm 65,5%) và 10 làng nghề truyền thống (chiếm 34,5%). Ngành nghề chính của các làng nghề, gồm: sản xuất chổi đót, đan lát, rượu, chế biến bún, nước mắm, ruốc, cá khô, nón lá, cơ khí…
Đa số các làng nghề hoạt động sản xuất ổn định, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 15.723 lao động nông thôn. Nổi bật có các làng nghề, như: làng nghề sản xuất nón lá truyền thống Hạ Thôn (xã Quảng Tân, TX. Ba Đồn) thu hút 850 hộ với 2.100 lao động, tạo thu nhập ổn định bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề nón lá truyền thống Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) thu hút 1.600 hộ với hơn 1.600 lao động; làng nghề chế biến bún bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) thu hút 232 hộ với 460 lao động.
Làng nghề chiếu cói An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) được hỗ trợ máy móc phát triển sản xuất, duy trì làng nghề.
Tuy vậy, hầu hết các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, giá trị sản xuất không lớn. Hiện nay, một số làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, như: làng nghề đan lát Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy); làng nghề rèn đúc Mai Hồng (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch); làng nghề rèn đúc, sản xuất mộc mỹ nghệ Nhân Hòa (xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn)...
Hoạt động sản xuất của các làng nghề này đang ở dạng duy trì do sản phẩm đơn điệu, không còn phù hợp với thị trường; mức thu nhập từ làm nghề truyền thống thấp nên không thu hút được lao động, mở rộng, phát triển nghề. Bên cạnh đó, phần lớn sản phẩm ở các làng nghề truyền thống chưa có thương hiệu, trong khi công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm thực hiện.
Để thúc đẩy làng nghề phát triển, một số làng nghề đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Bà Phan Thị Cẩm Tú, Chủ nhiệm HTX bún bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) cho biết, làng nghề truyền thống chế biến bún bánh mè xát Tân An đã có từ lâu đời. Trước nguy cơ mai một của nghề truyền thống, năm 2010, các chị em làng nghề đã mạnh dạn thành lập HTX bún bánh mè xát Tân An. Để giữ được làng nghề, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với những nỗ lực trong việc đầu tư sản xuất, chú trọng chất lượng, thương hiệu, bánh mè xát Tân An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Nhờ đó, từ một sản phẩm chỉ tiêu thụ thị trường trong huyện, tỉnh, nay bánh mè xát Tân An đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và tin dùng.
Chung mục tiêu thúc đẩy phát triển làng nghề, làng nghề chế biến khoai deo thôn Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng đã mạnh dạn thành lập HTX sản xuất và chế biến khoai deo Hải Ninh. Bằng những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, HTX đã duy trì được mức tiêu thụ sản phẩm tốt với sản lượng mỗi năm trên 15 tấn thành phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm khoai deo của làng nghề Tân Định còn được Công ty TNHH Linh Huệ, Công ty TNHH Như Mận thu mua, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì... Nhờ đó, sản phẩm khoai deo của hai công ty này đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019, ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Nghề làm nón lá giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn nhưng thu nhập còn thấp.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, công tác bảo tồn các làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền được thực hiện thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm.
Giai đoạn 2014-2019, nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn, cơ sở làng nghề đã được hỗ trợ, áp dụng cơ khí hóa một số công đoạn sản xuất nhằm mở rộng và phát triển về quy mô; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cũng được các ngành, địa phương thực hiện theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp (nghề may công nghiệp); cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề (nón lá, chổi đót, mây xiên, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế biến thủy sản, mây, tre đan); mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới (mây xiên xuất khẩu)…
Tỉnh tập trung hỗ trợ phát triển các nghề sử dụng nhiều lao động, gắn việc đào tạo nghề, truyền nghề với giải quyết việc làm tại cơ sở, nhằm tăng hiệu quả của công tác đào tạo.
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia để nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Vừa qua, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1803/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, trong đó, có các dự án về chuỗi liên kết sản xuất, các dự án về du lịch làng nghề nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với thúc đẩy phát triển làng nghề…
(QBĐT) - Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương của thị xã Ba Đồn. Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường; đồng thời, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
(QBĐT) - Chưa "gượng dậy" do đại dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình lại phải đối mặt với nhiều thiệt hại do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua gây ra. Tuy nhiên, trong những khó khăn ấy, toàn ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tích cực để đón khách trở lại trong thời gian sớm nhất.
(QBĐT) - Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Internet, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đối tượng đang lợi dụng những kẽ hở của hoạt động TMĐT để bán các loại hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…