Nhà vượt lũ phát huy hiệu quả

  • 08:11, 04/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, ngay tại những vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình, các ngôi nhà vượt lũ được xây dựng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã giúp 2.500 hộ dân an toàn về người và tài sản.
 
Ông Trần Thập, thuộc hộ nghèo của thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) cho biết : “Căn nhà cũ của tôi được xây từ cách đây nhiều năm và bắt đầu hư hỏng nặng. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện, căn nhà vượt lũ của cha con tôi vừa kịp hoàn thành ngay trước mùa mưa bão năm 2020. Tôi năm nay 90 tuổi đang nuôi con trai tàn tật, có nhà vượt lũ cha con tôi mừng và yên tâm lắm!”.
 
Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Dương Thị Tình ở thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) cũng vay vốn ưu đãi từ NHCSXH tỉnh, cộng với số tiền tiết kiệm để xây được căn nhà vượt lũ vững chắc. Chị Tình chia sẻ: "Ngôi nhà đó không chỉ là nơi trú ẩn của gia đình tôi mà còn cho bà con xung quanh có thể đến tá túc khi lũ lụt lớn đổ về".
 
Bà Đỗ Thị Lan Kiều, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Cựu chiến binh thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy cho biết: “Thôn Mỹ Hòa hiện có 3 hộ tham gia vay vốn chương trình nhà vượt lũ. Những hộ này chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già neo đơn, xây nhà vượt lũ là cứu cánh thiết thực nhất cho bà con khi mưa lũ về”.
 
Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cũng khẳng định: “Sau trận lũ kinh hoàng này, bà con trong xãđều có chung mong muốn, ngoài những hộ nghèo, hộ còn khó khăn được vay vốn xây nhà vượt lũ, NHCSXH cần có giải pháp mở rộng đối tượng vay vốn cho bà con thuộc vùng trũng, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt nhằm góp phần giảm mất mát và giúp bà con yên tâm khi lũ về”. 
Gia đình ông Nguyễn Văn Dược, 89 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) yên tâm tá túc trong ngôi nhà vượt lũ
Gia đình ông Nguyễn Văn Dược, 89 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) yên tâm tá túc trong ngôi nhà vượt lũ
Được biết, chương trình xây nhà vượt lũ cho người dân được thực hiện với nguyên tắc "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp" để xây dựng được nhà chòi phòng tránh lũ có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m đến 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2. Các kết cấu chính, như: móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Nhờ có quy định chặt chẽ trong thiết kế mà 2.500 ngôi nhà vượt lũ của Quảng Bình vẫn đứng vững sau trận lũ lịch sử.
 
Hiện tại, ở Quảng Bình, mô hình nhà vượt lũ đang phát huy hiệu quả, giải quyết được khó khăn trong công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi lũ lụt xảy ra.
 
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Sau lũ lụt, đơn vị đang rà soát tình hình thiệt hại của bà con để xin Trung ương bổ sung nguồn vốn giúp bà con khắc phục hậu quả sau lũ, đồng thời, giúp người dân có đồng vốn để tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Mặt khác, miền Trung là vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt, tôi rất mong Đảng, Chính phủ và Nhà nước cần có sự quan tâm và đưa ra những giải pháp căn cơ hơn đối với những vùng có mưa bão thường xuyên như Quảng Bình. Cần nghiên cứu kéo dài chương trình cho vay hộ nghèo về xây dựng nhà ở, nhà vượt lũ để phòng, chống bão lụt. Bên cạnh đó, nên chăng, cần nâng mức cho vay cho người dân, đồng thời, mở rộng đối tượng hộ cận nghèo có thể vay chương trình này để xây dựng nhà ở và giảm nhẹ hậu quả thiên tai?”.
 
Việc xây những ngôi nhà vượt lũ không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn mà còn góp phần cùng xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới, chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu... Đây là một trong những chủ trương đúng đắn và thiết thực đối với người dân vùng “rốn lũ”, đồng thời, bảo đảm chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo của Đảng và Nhà nước.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Phấn đấu giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 70% kế hoạch nguồn vốn được giao
Phấn đấu giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 70% kế hoạch nguồn vốn được giao

(QBĐT) - Theo thông tin từ Sở Kế hoạch-Đầu tư, năm 2020, Quảng Bình được Trung ương giao tổng số vốn vay nước ngoài là 703,538 tỷ đồng để thực hiện 17 dự án ODA. Trên cơ sở rà soát lại tình hình thực tế thực hiện các dự án, tỉnh phấn đấu sẽ giải ngân được 70% tổng nguồn vốn được giao.

Người lan tỏa vốn tín dụng chính sách ở vùng cao
Người lan tỏa vốn tín dụng chính sách ở vùng cao

(QBĐT) - Xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh) hiện có 12 tổ ủy thác tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Các tổ TKVV này chính là "cầu nối" đồng hành cùng Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo hiệu quả và đúng đối tượng. Chị Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ TKVV bản Cây Sú là một trong những "cầu nối" như thế.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác thương mại biên giới
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác thương mại biên giới

(QBĐT) - Là địa phương có chung đường biên giới với tỉnh Savannakhet và tỉnh Khăm Muộn của nước CHDCND Lào, tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực thiết lập mối quan hệ hợp tác, trong đó hợp tác thương mại là hoạt động trọng tâm. Phát huy vai trò của ngành, Sở Công thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sát thực để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác thương mại biên giới.