(QBĐT) - Trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10-2020 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, đồng thời; ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện miền núi Minh Hóa. Xây dựng NTM gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai (PCTT) đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Minh Hóa hướng tới nhằm bảo vệ thành quả xây dựng NTM trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan…
"Kéo lùi" lộ trình NTM
Là một trong những huyện nghèo đang được thụ hưởng các chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, nên so với các huyện, thành phố, thị xã khác trong tỉnh, Minh Hóa còn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Minh Hóa đã có những kết quả bước đầu, mang lại những lợi ích thiết thực cho các vùng nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Theo UBND huyện Minh Hóa, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có xã Hóa Hợp được công nhận xã NTM; xãTrung Hóa đạt 19/19 tiêu chí; 2 xã là Tân Hóa và Xuân Hóa đạt 18/19 tiêu chí NTM. Toàn huyện có tổng số 190 tiêu chí đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã.
![]() |
Tuy nhiên, ngoài những điều kiện khó khăn của địa phương miền núi, huyện Minh Hóa còn gánh chịu các tác động cực đoan của BĐKH, những trận thiên tai bão lũ diễn ra hàng năm, gây hậu quả nặng nề. Đơn cử, trận lũ lịch sử cuối tháng 10-2020 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với Minh Hóa, đặc biệt là các xã bị ngập sâu, như: Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa và các xã ở vùng sạt lở, chia cắt, như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn...
Toàn huyện có 4 người chết; gần 2.000 ngôi nhà bị ngập sâu; hơn 80 con trâu bò, 2.000 con gia cầm bị chết; nhiều diện tích cây hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học…bị sạt lở, hư hỏng; ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Trận lũ lịch sử đã khiến nhiều hộ gia đình ở Minh Hóa, sau bao nhiêu năm phấn đấu, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, vừa mới thoát cảnh nghèo, thì nay tái nghèo. Những thiệt hại mà cơn lũ lịch sử gây ra không chỉ ảnh hưởng nặng nề cuộc sống của người dân mà còn “kéo lùi” kế hoạch cán đích NTM ở các địa phương trên địa bàn huyện.
Trong trận lũ vừa qua, xã Minh Hóa là 1 trong 2 địa phương bị ngập sâu nhất huyện Minh Hóa. Bà Cao Thị Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết, ngoài thiệt hại về hoa màu, vật nuôi, trận lũ đã làm nhiều đoạn đường liên thôn bị xói lở, một số bức tường của các trường học bị nứt...Theo bà Hoài, xã Minh Hóa đặt mục tiêu cán đích NTM vào cuối năm 2021, tuy nhiên, là địa phương ở vùng trũng, năm nào cũng gánh chịu mưa lũ gập sâu, nên chắc chắn xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành kế hoạch này…
NTM ứng phó với BĐKH
Theo các chuyên gia, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai ngày càng trở nên cực đoan, khó dự đoán. Có thể khẳng định, thời gian qua, BĐKH, thiên tai tác động trực tiếp, tiêu cực đến kết quả xây dựng NTM, thậm chí thiên tai, BĐKH còn "kéo lùi" thành quả xây dựng NTM, vì chỉ cần một trận lũ quét, mưa bão... xảy ra là cơ sở hạ tầng của không ít địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM bị hư hỏng nghiêm trọng, phá hoại sinh kế của người dân, mà cơn lũ lịch vừa qua là một ví dụ điển hình.
Vì vậy, theo các chuyên gia, trong chương trình xây dựng NTM, một vấn đề được đặt ra hiện nay là cần đưa ra tiêu chí chủ động PCTT, ứng phó BĐKH trong xây dựng NTM nhằm xây dựng NTM bền vững. Là một địa phương thường xuyên gánh chịu những trận thiên tai, bão lũ, đây cũng là vấn đề mà huyện Minh Hóa đang hướng tới.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa cho biết: “Trên cơ sở đánh giá sự tác động của thiên tai, bão lũ đối với các tiêu chí NTM trong thời gian qua, huyện Minh Hóa sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện các mô hình NTM ứng phó với BĐKH, như: thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học ở vùng chịu tác động của BĐKH nhất định phải kiên cố, chắc chắn hơn. Đặc biệt là các ở xã ngập sâu, như: Tân Hóa, Minh Hóa, trong thời gian tới nếu được đầu tư xây dựng mới các công trình trường học, chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan chuyên môn thiết kế làm sao để công trình có công năng “kép”, vừa là nơi dùng để dạy học, vừa là nơi tránh trú bão lũ an toàn nhất cho người dân trong vùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp cho người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH, thiên tai để người dân phòng tránh, giảm thiểu được những thiệt hại cần thiết.”
Ở huyện Minh Hóa, nhà phao tránh lũ ở xã Tân Hóa là một mô hình ứng phó rất tốt với BĐKH và PCTT. Thời gian qua, nhà phao trở thành phương tiện cứu cánh hiệu quả cho người dân vùng ngập lụt Tân Hóa. Nhờ những chiếc nhà phao mà trong các trận lũ, người dân Tân Hóa đã an toàn “sống chung với lũ”.
Ông Đinh Văn Hòa ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa chia sẻ: “Khi mưa to, chúng tôi đã lùa trâu, bò lên tránh lụt trong các lán tạm dựng bên vách núi đá vôi. Ở đó có sẵn rơm khô và chuối dự trữ cho gia súc ăn trong những ngày mưa lũ. Còn lại các vật dụng có giá trị và cần thiết, lương thực, thực phẩm, nước uống được chúng tôi đưa lên nhà phao, cả bốn người trong gia đình đều lên đó tránh lũ an toàn”. Theo lãnh đạo huyện Minh Hóa, thời gian tới, mô hình nhà phao chống lũ sẽ tiếp tục được triển khai ở xã Minh Hóa.
![]() |
Ngoài ra, tại các xã vùng biên giới huyện Minh Hóa, với phần lớn địa hình là đồi núi, nhiều khe suối, khi mưa lũ xảy ra, người dân thường bị chia cắt, cô lập, đặt biệt là bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở. Ở những địa phương này, người dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhà ở chủ yếu là nhà sàn, độ kiên cố khá thấp. Vì vậy, cũng như các xã vùng ngập lũ, bà con rất cần những công trình trường học, nhà văn hóa cộng đồng có công năng “kép”.
Tuy nhiên, trong xây dựng NTM, để xây những công trình đó ở hầu hết các xã là không dễ dàng, cần nguồn kinh phí rất lớn; cho nên, mục tiêu cán đích NTM ở các địa phương này vì thế cũng rất xa vời. Vì vậy, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Minh Hóa đã tiến hành xây dựng các mô hình NTM cấp bản, nhằm đáp ứng được nhu cầu nêu trên của người dân.
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện chọn bốn bản gồm: bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa; bản Ka Ai, xã Dân Hóa; bản Lương Năng, xã Hóa Sơn và bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa để xây dựng bản NTM. Ðây là các bản có 100% số đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tuy nhiên, có điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội và có nhiều nét văn hóa riêng biệt, có thể phát huy giá trị.
Ðể thực hiện mục tiêu đặt ra, UBND huyện phân công và gắn trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chức năng với đồn biên phòng, các xã; đồng thời, bám sát đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025", từ đó sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ các bản xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo định hướng tiêu chí NTM ứng phó với BĐKH, có công năng PCTT.
Cùng với đó, huyện Minh Hóa hỗ trợ sản xuất cho đồng bào bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh…
Phan Phương