(QBĐT) - Là một trong những địa phương có tiềm năng và đã xây dựng, hình thành nhiều sản phẩm đặc sắc từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Bố Trạch có cơ sở để kỳ vọng ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất, đạt được mục tiêu trong giải quyết đầu ra cho nông sản. Từ đó, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: "Sau gần 2 năm thực hiện, chương trình OCOP đã tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở, cá nhân trên địa bàn huyện Bố Trạch đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo được đầu ra cho nông sản, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của Bố Trạch đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường".
![]() |
Hiện, huyện Bố Trạch đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2019. Đó là những sản phẩm đặc sắc, bảo đảm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế của các địa phương, được đông đảo khách hàng tin dùng như: sản phẩm trà rau má Tuấn Linh và trà nấm linh chi Tuấn Linh (HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh), cao cà gai leo Thanh Bình (HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm), trà túi lọc cà gai leo HNT (Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình), hạt tiêu Phú Quý (HTX nông nghiệp Phú Quý), rau sạch An Nông (HTX nông nghiệp An Nông), rượu sim Xuân Hưng (HTX sản xuất kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng).
Để tiếp tục khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện Bố Trạch đã tiến hành đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020.
Kết quả, huyện đã đánh giá 2 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao, như: tinh dầu sả Như Oanh ở xã Nam Trạch, miến gạo sâm Bố Chính ở xã Mỹ Trạch, hải sản Quảng Bình ở xã Thanh Trạch; dầu lạc Phong Nha ở xã Hưng Trạch, muối Kosal ở xã Vạn Trạch, cao linh chi Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc...
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT, thành viên Hội đồng xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Bố Trạch, các sản phẩm tham gia được cấp tỉnh, huyện xếp hạng đều bảo đảm đúng quy định, mẫu mã, chất lượng. Thông qua việc phát triển sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn đã góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
So với kế hoạch thực hiện sản phẩm OCOP của huyện giai đoạn 2019-2020, Bố Trạch đạt và vượt trên 60%; dẫn đầu toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện, các chủ thể của sản phẩm OCOP cấp huyện đợt này đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia, đánh giá phân hạng cấp tỉnh.
Các sản phẩm OCOP ở Bố Trạch cũng luôn nhận được sự phản hồi tích cực của đa số khách hàng khi sử dụng, được thị trường đón nhận, như: trà nấm linh chi, cao cà gai leo…
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm chia sẻ: “Không chỉ khách hàng trong tỉnh, trong huyện, một số khách hàng ở các tỉnh, như: Bình Dương, Điện Biên... đều có phản hồi rất tốt sau khi sử dụng sản phẩm cao cà gai leo của HTX!".
Từ 0,5 ha diện tích cà gai leo thử nghiệm ban đầu, đến nay, HTX dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm đã liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã và các xã vùng gò đồi trồng trên 30ha cây cà gai leo, sinh trưởng phát triển tốt; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với sản lượng 50 tấn thô/năm.
Qua quy trình chế biến công phu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cứ mỗi tấn dược liệu thô sẽ cho khoảng 1.500 lọ cao (dung tích 100ml), giữ nguyên giá trị dược liệu.
Thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, HTX cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp thức uống cho các văn phòng, trụ sở công ty, cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch và các hiệu thuốc tây tại Đồng Nai, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng…
Hiện HTX đã có nguồn vốn trên 3 tỷ đồng; cơ sở vật chất, như: máy móc thiết bị và nhà xưởng..., trên 2 tỷ đồng. Điều quan trọng là HTX đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương với 80 lao động thường xuyên, thời vụ và hàng trăm lao động gián tiếp, có mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/ người/tháng. Đặc biệt, cây dược liệu cà gai leo còn là sự lựa chọn, trở thành hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng gò đồi phía Tây huyện Bố Trạch.
![]() |
Thực tế cho thấy, chương trình OCOP đang là cơ hội tốt cho các nông sản vùng miền trong tỉnh tiếp cận với thị trường dễ dàng hơn, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm, không những thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mà còn giúp cho các cá nhân, hộ sản xuất, HTX phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong thực hiện OCOP ở Bố Trạch là vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Nguyên nhân do nhiều sản phẩm trên địa bàn huyện còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm thô, ít qua chế biến; mẫu mã sản phẩm làm ra chưa đẹp, số lượng sản phẩm được đăng ký nhãn mác, công bố các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít.
“Vì vậy, huyện sẽ tăng cường lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mang tính đặc thù của huyện. Trong thời gian tới, Bố Trạch sẽ tăng cường chỉ đạo bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến và mở rộng hình thức liên kết với các cơ sở chế biến sản phẩm để sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Huyện tiếp tục rà soát, vận động các cơ sở, THT, HTX, doanh nghiệp đầu tàu trong công tác chuyển đổi sản xuất trên địa bàn huyện mở rộng quy mô, liên kết bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Từ đó, Bố Trạch sẽ tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm tốt đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để hình thành sản phẩm OCOP của huyện. Riêng trong năm 2020 này, Bố Trạch kỳ vọng có 12 sản phẩm OCOP đã qua cấp huyện đều sẽ được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi thêm.
Hương Trà