Tuyên Hóa: Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
02:09, 30/09/2020
(QBĐT) - Nhờ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Tuyên Hóa, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những năm trước đây, gia đình anh Trần Tiến Dũng ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng có đời sống rất khó khăn với nghề nông cho thu nhập thấp. Gần đây, anh Dũng mạnh dạn vay vốn tín dụng ưu đãi để xây dựng mô hình nông sản sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Năm 2020, tận dụng diện tích 2ha đất của gia đình, anh Dũng đã vay thêm 100 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện để xây dựng nhà lưới trồng rau, quả sạch. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp nuôi 50 con lợn và gần 200 con gà, ngan.
Anh Dũng chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá hơn. Mô hình nông nghiệp sạch đem lại tổng thu nhập hàng năm cho gia đình trên 100 triệu đồng”.
Thủ tục vay vốn ưu đãi cho bà con nông dân Tuyên Hóa được các cán bộ tín dụng thực hiện kịp thời, nhanh gọn
Cũng xuất phát từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tín dụng PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa, anh Trương Văn Thành ở thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa đã mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ chương trình thoát nghèo. Từ đó, gia đình anh đã đầu tư 2 xe tải phát triển dịch vụ và kinh doanh tạp hóa; nuôi thêm bò và lợn rừng.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi; tích cực huy động vốn và thực hiện cho vay chương trình tín dụng có liên quan đến chính sách cho hộ nghèo. Tính đến hết tháng 9-2020, 15 chương trình tín dụng được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện đã đưa tổng doanh số cho vay đạt 162 tỷ đồng với 2,9 nghìn lượt hộ vay vốn.
Nhờ làm tốt công tác giảm sát nên toàn huyện có 12/19 xã không có nợ quá hạn. Tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại là 555,7 tỷ đồng với 11,2 nghìn hộ dư nợ (chiếm 45% số hộ dân trên địa bàn huyện). Từ sự giúp sức của chính quyền địa phương và PGD NHCSXH huyện, đã có nhiều tấm gương điển hình vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế và làm giàu trên mảnh đất miền núi Tuyên Hóa. Qua đó, góp phần đưa số hộ nghèo toàn huyện giảm dần qua các năm.
Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp từ vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp nông dân Tuyên Hóa thoát nghèo.
Ông Nguyễn Tất Thành, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa cho biết: "Thời gian qua, đơn vị luôn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các hội, đoàn thể để tuyên truyền cho bà con nắm được các chính sách vay vốn. Ngân hàng cũng tham mưu và phối hợp với chính quyền để thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, nhờ đó, hầu hết tất cả các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Các hộ nghèo trên địa bàn không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, mà còn không để phát sinh nợ tồn động. Nhiều gia đình đã lồng ghép tốt nguồn vốn với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nguồn thu nhập ngày càng cao".
Từ chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, những giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của người dân, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tiếp thêm nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Tuyên Hóa tự tin phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
(QBĐT) - Mỗi ngày, có khoảng 2-3 tấn thủy sản các loại được bán ra thị trường từ "chợ đầu mối" ở Cảng cá Nhật Lệ (TP. Đồng Hới). "Chợ đầu mối" đóng vai trò thu gom thủy sản từ các tàu cá đánh bắt ngoài khơi và các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, sau đó, cung ứng cho người buôn bán ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Người bao tiêu một số lượng lớn thủy sản ấy chính là anh Trương Văn Bảo, Giám đốc TNHH Biển Khơi (TP. Đồng Hới).
Ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm "vực dậy" ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.
GDP 9 tháng tăng 2,12% và GDP quý 3 tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả thành công trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.