(QBĐT) - Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã và đang được các địa phương ở huyện miền núi Tuyên Hóa tích cực đẩy mạnh, mở rộng quy mô sản xuất. Đây không chỉ là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là giải pháp bền vững bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CNC vào sản xuất của nông dân Tuyên Hóa hiện vẫn còn lắm khó khăn.
Hướng đi đầy triển vọng
Những năm qua, ngoài việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp được chính quyền và người dân huyện Tuyên Hóa quan tâm thực hiện. Nhiều ứng dụng CNC đã được đưa vào áp dụng, như: mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau, củ, quả sạch, an toàn; mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel cho cây ăn quả; nuôi gà trong chuồng lạnh…
Chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi của gia đình chị Đinh Thị Hà, xã Sơn Hóa, đây là mô hình đầu tiên ứng dụng CNC vào chăn nuôi gà của huyện. Dù đã được chị Hà giới thiệu trước về mô hình chăn nuôi này, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bước vào khu vực chăn nuôi. Bởi xung quanh trại nuôi là một không gian trong lành và yên tĩnh, không có mùi phân gà như ở những trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn khác.Bên trong trại nuôi có hệ thống điều hòa không khí, dù nhiệt độ bên ngoài khá oi bức nhưng bên trong luôn mát mẻ và sạch sẽ.
|
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đinh Thị Hà cho biết: "Trước đây, hai vợ chồng từng đi buôn gà, đến rất nhiều tỉnh, thành và ghé thăm các trang trại chăn nuôi gà nên luôn ao ước sẽ làm được trang trại như thế. Nuôi gà trong chuồng lạnh có chi phí xây dựng chuồng trại hơi cao nhưng nếu tính toán lâu dài thì chi phí nuôi thấp, tránh được rủi ro dịch bệnh, tránh được ô nhiễm môi trường xung quanh, không cần cách xa khu dân cư. Năm 2017, được một chủ trang trại tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi gà trong phòng lạnh nên hai vợ chồng đã mạnh dạn vay vốn thực hiện. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện nuôi nhiều lứa gà nhưng chưa có lần nào thất bại. Với 9.000 con gà/lứa, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 400 triệu đồng”.
Với thời tiết nắng nóng nóng kéo dài, nhiều địa phương ở huyện Tuyên Hóa khó khăn trong việc trồng các loại rau màu trái vụ. Đầu năm 2020, được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, gia đình ông Trương Quang Bôn (TT. Đồng Lê), đã triển khai lắp đặt hệ thống nhà màng với diện tích hơn 820m2, sử dụng hệ thống tưới nước tự động, màng chắn nắng kéo bằng hệ thống ròng rọc.
Theo ông Trương Quang Bôn, chỉ mới trồng lứa đầu tiên nhưng mô hình đã cho thấy hiệu quả vượt trội so với phương pháp trồng rau truyền thống, nhất là về tính chủ động trong tưới tiêu, hạn chế được côn trùng, sâu bọ. Nhờ đó, mô hình sản xuất đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của người dân địa phương. Hiện tại cây dưa lưới đang sinh trưởng và phát triển tốt, đang chuẩn bị cho thu hoạch (trước đó, gia đình đã thu hoạch dưa chuột, các thương lái đến mua tại vườn với giá bán bán 25.000/kg, cao hơn nhiều so với giá thị trường).
Đến nay, toàn huyện Tuyên Hóa đã có 6 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất. Dù thời gian thực hiện chưa nhiều, số mô hình còn ít nhưng những thành công bước đầu đã mở ra tín hiệu vui, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, đầy triển vọng.
Chồng chất khó khăn
Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Mặc dù vậy, nông nghiệp CNC ở huyện miền núi Tuyên Hóa vẫn đang gặp phải rất nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa, khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm,… Bởi muốn thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp CNC thì chi phí sẽ gấp 4-5 lần so với việc xây dựng trang trại chăn nuôi mô hình truyền thống. Còn với 1.000m2 nhà màng có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân được tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất khoảng 1 tỷ đồng. Thực tế, đời sống người dân miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tư duy của họ vẫn thiên về sản xuất nhỏ lẻ, an toàn theo kiểu truyền thống, chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, sản xuất CNC đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp CNC ở Quảng Bình nói chung và Tuyên Hóa nói riêng hiện nay còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học công nghệ. Một số mô hình cây ăn quả khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện thì độ ngon ngọt của trái luôn đạt chuẩn, nhưng khi người dân tự tay làm thì sản phẩm không chất lượng như ban đầu…
![]() |
Khó khăn tiếp đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Nông nghiệp ứng dụng CNC được xây dựng với mục tiêu phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận với nông dân, người trực tiếp sản xuất, họ đều lo ngại về vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ví như mô hình dưa lưới của ông Trương Quang Bôn sắp đến độ thu hoạch, có doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm nhưng giá cả thấp hơn nhiều so với thị trường nên cả hai chưa tìm được tiếng nói chung.
Ngoài ra, sự thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư; rủi ro lớn khi có thiên tai (bão, lũ); chưa tạo được sản phẩm đặc trưng, thường xuyên cho thị trường… cũng là những khó khăn lớn trong việc ứng dụng CNC ở Tuyên Hóa.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể ,như: tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân biết để thực hiện; tập trung ưu tiên, kêu gọi các doanh nghiệp cá nhân xây dựng các mô hình công nghệ cao, an toàn sinh học.
Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao, như: tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel cho cây ăn quả nhằm tiết kiệm nguồn nước vào mùa khô, áp dụng các kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả…
Đặc biệt, cùng với tỉnh, huyện cũng trích ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi, ứng dụng CNC vào sản xuất, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng và cần thiết, đem lại lợi ích không chỉ với người nông dân. Để tháo gỡ những khó khăn, sự cố gắng của người dân và huyện là chưa đủ, cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn từ tỉnh, từ các ban, ngành và sự chung tay của các doanh nghiệp.
Thanh Hoa