Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người tiêu dùng với hàng Việt
09:09, 30/09/2020
(QBĐT) - Thời gian qua, nhờ sự thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng trong nước, thị trường hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Để hàng Việt nói chung và hàng Quảng Bình nói riêng tiếp tục khẳng định vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ, sự chung tay, góp sức của các ngành chức năng, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng là rất quan trọng.
Hiện nay, trên thị trường các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng. Qua khảo sát thị trường các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt ngày càng cao, chiếm trên 80%. Hàng Việt trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán, sinh hoạt của mỗi gia đình.
Chị Trần Thị Liên, một người tiêu dùng ở TP. Đồng Hới cho biết: “Lâu nay, gia đình tôi luôn ưu tiên sử dụng các mặt hàng trong nước sản xuất. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… thì hàng sản xuất trong tỉnh là lựa chọn hàng đầu của gia đình tôi, bởi các sản phẩm này yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp và quan trọng nhất là chất lượng tốt”.
Có thể thấy, với chất lượng, mẫu mã các sản phẩm hàng Việt ngày càng phong phú, chất lượng đã tạo được niềm tin, sự quan tâm của người tiêu dùng. Để có được kết quả đó, cùng với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương với chức năng, nhiệm vụ của mình đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chú trọng đưa hàng Việt có thương hiệu, chất lượng cao, bảo đảm giá cả hợp lý vào các siêu thị, đại lý, chợ truyền thống…
Sở cũng tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm ưu tiên, khuyến khích giới thiệu, quảng bá các mặt hàng Việt có chất lượng, thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai đề án tổ chức “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thông qua các hoạt động truyền thông”…
Cửa hàng thực phẩm xanh Đông Dương là một trong những điểm bán hàng Việt được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp hỗ trợ.
Tuy nhiên, trên thực tế, hàng Việt đang gặp nhiều thách thức. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng nhức nhối. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng Việt trên thị trường tuy bảo đảm chất lượng nhưng vẫn thể hiện sự yếu thế khi cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm nội nói chung không thua kém sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về “độ phủ” thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cải tiến, đổi mới áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện mở rộng và nghiên cứu thị trường, tăng cường tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình.
HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng (thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) là địa chỉ uy tín được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến với các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản, như: cá khô, nước mắm, mắm ruốc, tôm khô…
Bà Nguyễn Thị Duế, Giám đốc HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng cho biết: “Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của HTX, chúng tôi luôn chú trọng đến khâu sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu… trong nước và các nước bạn (Thái Lan, Lào) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.
HTX dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (HTX dược liệu Cự Nẫm) được biết đến với các sản phẩm, như: cao cà gai leo Thanh Bình, cao chè vằng, cao dây thìa canh, cao lạc tiên. Các sản phẩm này được đánh giá có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Với 45 đại lý bán lẻ trên toàn quốc, hiện các sản phẩm của HTX có mức tiêu thụ khoảng 500-600 hộp (100gr)/tháng.
Bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch HĐQT HTX dược liệu Cự Nẫm chia sẻ: “Với nỗ lực đưa đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, uy tín, HTX luôn chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Từ cây giống, đến quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất đều được giám sát kỹ càng, bảo đảm chất lượng đạt yêu cầu. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán nhãn QR-code truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng”.
Quảng Bình hiện có nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng đánh giá cao, như: nấm Tuấn Linh, sâm Bố Chính Tuệ Lâm, mây tre xiên Quảng Phương, tinh bột sắn Long Giang, khoai deo Linh Huệ, miến dong sông Son, tinh bột nghệ đỏ Vân Di, muối tre BioKorea Việt Nam… Với mong muốn tạo ra những sản phẩm hàng Việt, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình có chất lượng, sức cạnh tranh cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư về dây chuyền công nghệ sản xuất, phát triển các sản phẩm mới; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Hội nghị kết nối cung-cầu là cơ hội để các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với mục tiêu từng bước cải thiện niềm tin và xây dựng thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong cộng đồng, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, đặc biệt là hàng Quảng Bình, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng và phát triển thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm…
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm đã tranh thủ các nguồn kinh phí từ Trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công-xúc tiến thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại để sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng mô hình "Cửa hàng tiện ích bán hàng Việt" văn minh, hiện đại. Các hoạt động này đã góp phần hỗ trợ quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng đến với người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu và sự tin tưởng của khách hàng đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”.
(QBĐT) - Nhờ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Tuyên Hóa, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
(QBĐT) - Mỗi ngày, có khoảng 2-3 tấn thủy sản các loại được bán ra thị trường từ "chợ đầu mối" ở Cảng cá Nhật Lệ (TP. Đồng Hới). "Chợ đầu mối" đóng vai trò thu gom thủy sản từ các tàu cá đánh bắt ngoài khơi và các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, sau đó, cung ứng cho người buôn bán ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Người bao tiêu một số lượng lớn thủy sản ấy chính là anh Trương Văn Bảo, Giám đốc TNHH Biển Khơi (TP. Đồng Hới).
Ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm "vực dậy" ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.