Những thủ lĩnh Đoàn là "đầu tàu" phát triển kinh tế

  • 08:08, 16/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ là“thủ lĩnh” năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo, dẫn dắt các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, những bí thư chi đoàn cơ sở ở huyện Minh Hóa còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế để nhiều thanh niên học tập và làm theo.
 
Là Bí thư chi đoàn thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, Cao Văn Linh (SN 1988) đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương. Hoạt động Đoàn ở cơ sở muốn hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn kinh phí nhất định, trong lúc sự hỗ trợ từ ngân sách không có, nên rất khó để khơi dậy phong trào. “Xung quanh mình còn có biết bao thanh niên đặt niềm tin và nhiệt tình với phong trào, nhưng muốn hoạt động phong trào có hiệu quả, thanh niên cần vững vàng về kinh tế!”, anh Linh chia sẻ.
Bí thư Chi đoàn thôn Liêm Hóa (xã Trung Hóa) với mô hình phát triển trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bí thư Chi đoàn thôn Liêm Hóa (xã Trung Hóa) với mô hình phát triển trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và yên tâm hoạt động Đoàn, trên diện tích 6ha đất được xã cấp cho gia đình, cách đây 8 năm, anh Linh đã đầu tư trồng cây cao su theo chủ trương của huyện. Lúc bấy giờ cao su được xem là cây “vàng trắng”, cả gia đình huy động công sức đào hố, xử lý phân bón và trồng gần 2.000 cây trên diện tích 2ha.
 
Với diện tích đất còn lại, anh Linh đầu tư mua giống keo lai trồng rừng kinh tế. Anh Linh cho biết, vụ cao su đầu tiên, gia đình cũng thu hoạch được rất khá, có thời điểm, giá mủ cao su 45.000đ/kg, gia đình ngày nào cũng thu về tiền triệu. Những năm gần đây, mủ cao su rớt giá, hiện chỉ còn 13.000đ/kg, nguồn thu từ cây cao su giảm dần, chỉ còn khoảng 15-20 triệu đồng/năm.
 
Tuy nhiên, không như một số hộ dân xung quanh chặt bỏ cây cao su để chuyển qua trồng cây khác, anh Linh quyết định giữ lại rừng cao su của mình, bởi anh yêu màu xanh của cánh rừng cao su cũng như sức sống mãnh liệt qua bao mùa mưa bão. Bù lại, dưới tán rừng cao su hiện nay, anh Linh tận dụng đất cũng như thảm cỏ để đầu tư nuôi bò sinh sản.
 
Hiện, anh đang nuôi 10 con bò lớn nhỏ, đàn bò phát triển tốt, khỏe mạnh, năm nào cũng sinh sản, bán giống và giúp anh nhân đàn. Bên cạnh đó, anh Linh cải tạo đất trồng 100 gốc bưởi da xanh, trồng cỏ, sắn để làm thức ăn cho bò. Diện tích rừng keo của anh Linh đã nhiều lần cho thu nhập, lần mới đây, anh đã thu về trên 150 triệu đồng.
 
Kể từ khi bản thân và gia đình có nguồn thu nhập ổn định, anh Linh đã có nhiều điều kiện và cống hiến nhiều hơn cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương. Hiện anh Linh đang làm Bí thư chi đoàn thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, một thôn có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong các phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và phát triển kinh tế.
 
Cũng giống như anh Cao Văn Linh, anh Cao Xuân Thủy, Bí thư chi đoàn thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh cũng được Huyện đoàn Minh Hóa và chính quyền địa phương đánh giá cao. Ngoài việc góp phần đưa phong trào thanh niên ở thôn ngày càng hoạt động hiệu quả, anh Thủy đã mạnh dạn, sáng tạo trong làm kinh tế. Mô hình trồng và nhân giống phong lan của anh Thủy là mô hình đầu tiên trồng lan ở xã Hóa Thanh và  hiện đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
 
Anh Thủy cho biết, bắt đầu bằng sự đam mê, cùng với chịu khó học kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2015, anh đã đầu tư mô hình trồng lan. Đến nay, vườn lan của anh Thủy có gần 400 giò với các loại, như: phi điệp, lan kiếm, tam bảo sắc, lan quế, lan kiều…., giò lan đắt nhất anh từng bán với giá 15 triệu đồng, còn lại bình quân từ 700.000 đồng đến 5 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình anh Thủy thu nhập trên 100 triệu đồng từ vườn lan này. “Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư thêm vốn để mở rộng quy mô vườn lan, giúp các bạn đoàn viên trong thôn, trong xã về kỹ thuật cũng như nhân giống lan để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.”, anh Thủy chia sẻ về dự định của mình.
 
Nhận xét về anh Linh, anh Thủy, anh Đinh Kiên Cường, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa cho biết: “Các bạn ấy không chỉ là những “thủ lĩnh” Đoàn đầy nhiệt huyết mà còn là những “đầu tàu” trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương mình. Các bạn đã nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Những gì các bạn ấy làm được còn có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi nếp nghĩ thụ động, chưa dám nghĩ, chưa dám làm của đoàn viên thanh niên huyện vùng cao Minh Hóa”.
 
Theo anh Đinh Kiên Cường, để tiếp sức cho đoàn viên thanh niên nông thôn mạnh dạn phát triển kinh tế, thời gian qua, Huyện đoàn Minh Hóa đã phối hợp với các ngành mở 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.620 lượt đoàn viên thanh niên tham gia; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh tổ chức ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm cho 500 lượt đoàn viên thanh niên.
 
Bên cạnh đó, Huyện đoàn Minh Hóa phối hợp có hiệu quả với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ban giảm nghèo các xã, thị trấn, đoàn thể các cấp thành lập các tổ tiết kiệm-vay vốn thanh niên. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 17 tổ tiết kiệm-vay vốn với số dư nợ trên 27 tỷ đồng. Nhờ đó, những năm trở lại đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.
 
Qua theo dõi, 20 mô hình kinh tế của thanh niên rất có hiệu quả, cho thu nhập từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm, mỗi mô hình giải quyết việc làm cho từ 5 đến 10 lao động, góp phần tích cực cùng Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.
 
Thùy Linh
 

tin liên quan

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở TP. Đồng Hới: Khó thi công đúng tiến độ do vướng GPMB!?
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở TP. Đồng Hới: Khó thi công đúng tiến độ do vướng GPMB!?

(QBĐT) - Hiện trên địa bàn TP. Đồng Hới có 3 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, gồm: "Hệ thống tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông"; "Môi trường bền vững TP. Đồng Hới và "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới". Các dự án này đang đứng trước nguy cơ khó bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công và giải ngân theo đúng kế hoạch do nhiều nguyên nhân, nhưng vướng mắc lớn nhất chính là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).   

Rộng đường đưa nông thuỷ sản Quảng Bình vào siêu thị
Rộng đường đưa nông thuỷ sản Quảng Bình vào siêu thị

(QBĐT) - Hệ thống các siêu thị luôn là "điểm đến" tiêu thụ lý tưởng của các mặt hàng nông thủy sản Quảng Bình. Bởi với thị trường tiêu thụ rộng mở, sản phẩm có nhiều cơ hội đến tay khách hàng, nhất là khách du lịch. 

Minh Hóa: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Minh Hóa: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Minh Hóa đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.