(QBĐT) - Gà đồi là một trong những nông sản được huyện Tuyên Hóa lựa chọn xây dựng nhãn hiệu và phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thế nhưng, để thương hiệu gà đồi Tuyên Hóa phát triển, và quan trọng hơn từ đây mang lại hiệu quả, giá trị cao cho sản phẩm, vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Cấp “Giấy khai sinh”
Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuyên Hóa đã cơ bản hoàn thành các cơ sở pháp lý và tổ chức sản xuất chăn nuôi gà đồi ở các địa phương có lợi thế. Cụ thể, gà đồi Tuyên Hóa đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; chứng nhận bản quyền tác giả và logo đặc trưng cho sản phẩm. Các sản phẩm gà đồi có tem chống hàng giả, hàng nhái, mã số, mã vạch, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế.
UBND huyện cũng đã hoàn thành thẩm định điều kiện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tại các hợp tác xã (HTX) có nhu cầu, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các HTX đủ điều kiện theo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, khâu quảng bá sản phẩm cũng đã được huyện Tuyên Hóa quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần mở rộng cánh cửa thị trường tiêu thụ. Hiện tại, trang thông tin điện tử trực tuyến với đầy đủ các tính năng tại địa chỉ http://gadoituyenhoa.com.vn đã đi vào hoạt động. Đặc biệt hơn, trang điện tử này sẽ hòa mạng quốc tế với hỗ trợ google dịch đa ngôn ngữ, tạo điều kiện cho các khách hàng tiềm năng ở nước ngoài tiếp cận theo dõi thông tin về sản phẩm. Số lượt truy cập website đến thời điểm hiện tại đã đạt trên 9.000 lượt.
![]() |
Từ năm 2018 đến nay, tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và ngân sách, Tuyên Hóa đã tổ chức cho trên 50 hộ tại 5 địa phương tham gia chương trình xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa”. Quy mô mỗi địa phương chăn nuôi từ 2.000 đến 2.500 con gà, theo phương thức thả vườn.
Từ đầu năm 2019, huyện cũng đã hỗ trợ 2 HTX chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp tại xã Sơn Hóa và Lê Hóa thực hiện chăn nuôi tập trung (quy mô 150 đến 250con/hộ), theo quy trình VietGAP. Đồng thời, huyện cũng đã hỗ trợ người dân phân tích chất lượng thịt gà, xây dựng bộ tem truy xuất nguồn gốc QRcode cho sản phẩm gà của các HTX. Hiện tại, 2 HTX chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Sơn Hóa và Lê Hóa đã có sản phẩm gà đủ điều kiện mang nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Tuyên Hóa” để bán trên thị trường.
Chỉ mới thành lập HTX
HTX Chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Lê Hóa được thành lập tháng 9-2019 với mục tiêu đưa chăn nuôi gà đồi của địa phương trở thành một “điểm sáng” trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi gà đồi của huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, điều HTX này làm được là bước đầu hình thành bộ máy hoạt động và vận động 17 hộ thành viên tham gia, còn việc mở rộng và phát triển quy mô chăn nuôi gà đang giẫm chân tại chỗ.
Giữa tháng 9-2019, được sự hỗ trợ 50% vốn của Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư (Sở Nông nghiệp-PTNT), HTX đã mua 2.000 con gà giống lai ri về nuôi. Sau khi lứa gà này đến tuổi xuất chuồng bán, việc chăn nuôi gà của HTX lại quay về điểm xuất phát ban đầu.
Việc sản phẩm “Gà đồi Tuyên Hóa” có đầy đủ các thủ tục về nhãn hiệu, chất lượng, chỉ mới khiến cho sản phẩm có được “tên tuổi” và dễ bán hơn chứ chưa thực sự nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người dân. Chính vì vậy, nó chưa đủ sức hút để người nông dân phát triển quy mô đàn.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, rào cản lớn nhất và khó nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Nếu nuôi số lượng ít thì có thể tiêu thụ nhỏ lẻ được, nhưng nuôi tập trung với số lượng lớn, thì lo ngại không bán được. Hiện tại, HTX chưa thể liên kết với đơn vị bao tiêu lớn nào. Đó là chưa kể, sản phẩm gà đồi chưa thể cạnh tranh với sản phẩm gà công nghiệp. Để có một lứa gà đồi mang nhãn hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” xuất chuồng phải mất thời gian nuôi hơn 5 tháng, với trọng lượng mỗi con nặng từ 1,2kg đến 1,5kg. Trong khi đó, gà công nghiệp chỉ phải nuôi khoảng 3 tháng đã đạt trọng lượng hơn 2kg. Giá cả gà thịt công nghiệp cũng thấp hơn, chỉ 70 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng/kg, còn gà đồi có giá từ 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg. Vì vậy, phần lớn người tiêu dùng và các nhà hàng, khách sạn chỉ tiêu thụ gà công nghiệp.
Cùng quan điểm nói trên, ông Phan Đình Chinh, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Sơn Hóa cũng cho biết, cùng với việc chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm và thị trường tiêu thụ ổn định, thời gian qua, do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các hộ thành viên trong HTX “chùn bước”, chưa dám đầu tư phát triển đàn.
Theo ông Phan Xuân Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, việc triển khai xây dựng thương hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” mới chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý và tổ chức sản xuất. Hình thức chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ và còn thiếu đơn vị bao tiêu sản phẩm để việc chăn nuôi gà đồi trên địa bàn phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa. Mặt khác, sản phẩm từ gà đồi Tuyên Hoá chưa đa dạng. Hiện tại, sản phẩm chủ đạo mới chỉ là gà sống thương phẩm, trong khi thị trường lại cần các sản phẩm đã qua sơ chế.
Muốn xây dựng sản phẩm gà đồi phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với các HTX và doanh nghiệp, còn đòi hỏi việc tổ chức triển khai thực hiện một cách bài bản, có hệ thống từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đặc biệt, địa phương phải tìm kiếm, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi gà đồi; đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung, kho đông lạnh cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Dương Công Hợp