Tạo đột phá cho HTX miền núi

  • 10:08, 27/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Mật ong là sản phẩm chủ lực của nhiều xã miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Bằng nhiều giải pháp, các địa phương hiện rất nỗ lực để phát triển sản phẩm đặc trưng này, đặc biệt lồng ghép triển khai trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) hoặc thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (thông qua thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất mật ong).
 
Tuy nhiên, các HTX phát triển sản phẩm mật ong gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn nhân lực, nguồn vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật cho đến khâu marketing, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường đầu ra. Cái khó luẩn quẩn này khiến không ít HTX dù đã có nhãn hiệu, xây dựng được thương hiệu, thậm chí được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, chưa thực sự tạo được "cú hích" đột phá.
 
Nhiều HTX thậm chí "an phận", chấp nhận tiêu thụ thị trường trong xã, huyện, nhỏ lẻ, manh mún và tự "bó hẹp" trong tiêu chuẩn của chính mình. Kéo theo đó, chất lượng sản phẩm ít được cải thiện, mức sống của người lao động chưa được nâng cao, sản phẩm khó được nâng tầm.
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp với các HTX miền núi.
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp với các HTX miền núi.
2. Năm 2019, Quảng Bình công nhận 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Riêng với hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa chỉ có 3 sản phẩm. Trong đó, HTX DVNN tổng hợp 19-5 với sản phẩm mật ong Thanh Hóa (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) và HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa).
 
Theo danh mục dự kiến 42 sản phẩm sẽ tham gia đánh giá OCOP cấp huyện năm 2020, các HTX thuộc khu vực miền núi tham gia cũng không nhiều và chủ yếu là sản phẩm mật ong. Thực tế cho thấy, sản phẩm chủ lực của các HTX miền núi thường khá đơn điệu, hàm lượng áp dụng khoa học công nghệ thấp, sức cạnh tranh yếu, mẫu mã bao bì thiếu hiện đại, chưa tiện lợi và thiếu sức hấp dẫn người tiêu dùng.
 
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2016-2019, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thành lập mới 4.656 HTX, chiếm 46% số HTX thành lập mới của cả nước. Đến cuối năm 2019, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 11.558 HTX, 35 liên hiệp HTX, 61.471 tổ hợp tác.
 
Trên thực tế, Liên minh HTX Việt Nam cũng nhận định, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nhưng lại là vùng có điều kiện khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế-xã hội phát triển chậm. Việc hình thành mô hình kinh tế tập thể, HTX là rất phù hợp.
 
Đối với Quảng Bình, thời gian qua, các HTX thành lập ở khu vực miền núi đã khẳng định được vai trò, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và mang lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở, thách thức để các HTX phát huy thế mạnh của mình dựa trên những tiềm năng sẵn có. Vì vậy, rất cần có những cơ chế đặc thù, bám sát tình hình thực tiễn, căn cứ vào những điều kiện vốn có và sự quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành chức năng.
 
Sắp tới, kỳ vọng rằng, nhiệm kỳ mới của Liên minh HTX tỉnh và việc triển khai đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ mở ra những cơ hội mới cho các mô hình kinh tế tập thể vùng núi rẻo cao, đặc biệt là về nguồn nhân lực, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường…
 
 Quảng Hạ

tin liên quan

Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quyết tâm thực hiện hoàn thành dự án
Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quyết tâm thực hiện hoàn thành dự án

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc làm việc với các ngành, địa phương, đơn vị về việc triển khai thi công Dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường TX. Ba Đồn vào chiều 27-8.

Gia hạn thuế và tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh: Doanh nghiệp kém mặn mà...
Gia hạn thuế và tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh: Doanh nghiệp kém mặn mà...

(QBĐT) - So với số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ doanh nghiệp đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất chỉ chiếm hơn 15%, tỷ lệ hộ khoán đề nghị gia hạn chỉ chiếm hơn 5%. Như vậy, tỷ lệ hồ sơ gia hạn thuế và tiền thuê đất đến thời điểm ngày 30-7-2020 trên toàn tỉnh đạt rất thấp so với dự báo ban đầu của Bộ Tài chính.

Giá xăng E5 RON92 và dầu mazút giữ ổn định, RON95 tăng nhẹ
Giá xăng E5 RON92 và dầu mazút giữ ổn định, RON95 tăng nhẹ
Sau khi chi và trích lập quỹ BOG, từ 15 giờ ngày 27-8, giá xăng E5 RON92 và dầu mazút giữ ổn định, giá dầu diesel giảm 240 đồng/lít, dầu hỏa giảm 82 đồng/lít; trong khi xăng RON95 tăng 192 đồng.