(QBĐT) - Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 đã thể hiện rõ vai trò, nỗ lực của ngành Thuế trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế. Nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm sẽ còn nặng nề hơn khi phần lớn doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT) tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh bùng phát trở lại. Điều này đòi hỏi ngành Thuế phải có những giải pháp cụ thể, kịp thời để bảo đảm thực hiện hoàn thành số thu ngân sách theo chỉ tiêu đề ra.
Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội cả nước nói chung và Quảng Bình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh có doanh thu giảm so với cùng kỳ, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Cá biệt có những doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh chậm triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đã tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà cũng như công tác thu ngân sách trên địa bàn.
Dẫu vậy, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn đạt gần 2.600 tỷ đồng, chiếm 60,8% dự toán năm và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu so với cùng kỳ 2019 thì năm nay có 3/15 khoản thu có tăng trưởng là: thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đánh giá, rà soát các nguồn thu, xây dựng kế hoạch thu ngân sách cho từng lĩnh vực, địa bàn.
Mặt khác, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế từ khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT); quản lý kê khai, quyết toán thuế; thanh tra, kiểm tra thuế đến việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Trong đó, các đơn vị tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý thu hồi nợ thuế mà trọng tâm là triển khai hiệu quả các đề án chống thất thu ở các lĩnh vực, ngành nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt, như: khai thác khoáng sản, kinh doanh khách sạn nhà hàng, vận tải, XDCB, kinh doanh xăng dầu...
Việc thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế, như: nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử..., cũng đã được ngành Thuế tích cực triển khai và đạt được những kết quả nhất định.
![]() |
Cũng theo ông Đoàn Vỹ Tuyến, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, các chi cục thuế trực thuộc phải tập trung rà soát, nắm chắc nguồn thu của từng địa bàn để tổ quản lý thu đạt hiệu quả; trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu thu thuế ngoài quốc doanh và giảm nợ đọng thuế.
Để làm được việc này, các đơn vị cần đánh giá cụ thể kết quả việc triển khai các đề án chống thất thu thuế đã được UBND tỉnh phê duyệt để rút kinh nghiệm, tập trung vào những nội dung cơ bản, như: quản lý nợ, quản lý ký kê khai thuế...; đồng thời, duy trì mối quan hệ với địa phương và các ngành để đẩy mạnh công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 đã đề ra,ngành Thuế cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu; chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện cho NNT thực hiện nghĩa vụ ngân sách; thường xuyên theo dõi diễn biến và tiến độ các khoản thu ngân sách, nhất là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn cân đối ngân sách địa phương; tập trung triển khai thực hiện các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách, nhất là tăng thu, chống thất thu.
Bên cạnh đó, các chi cục thuế cần chủ động xây dựng kế hoạch thu cụ thể đến từng đội, từng địa bàn, từng khoản thu; tuyên truyền, hỗ trợ NNT thông qua các hình thức, như: tư vấn, giải đáp qua điện thoại, trả lời bằng văn bản, tổ chức hội nghị tọa đàm, đối thoại với NNT; thực hiện có hiệu quả kế hoạch chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá... Các sở, ngành, địa phương cần tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; đồng thời, mời gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng toàn thể nhân dân phát triển kinh tế-xã hội.
“Những tháng cuối năm là giai đoạn nước rút trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, NNT, vì vậy, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh việc giám sát kê khai thuế của NNT, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; đôn đốc các doanh nghiệp nộp đầy đủ, đúng hạn các hồ sơ khai thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp nộp chậm, không nộp hồ sơ khai thuế theo quy định”-ông Đoàn Vĩ Tuyến cho biết thêm.
Tùy Phong