(QBĐT) - Do nắng nóng kéo dài, hàng loạt hồ chứa trên địa bàn huyện Minh Hóa bắt đầu cạn kiệt, nhiều hồ đã xuống mực nước chết, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè-thu.
Những ngày này, về xã Xuân Hóa, nhìn đâu cũng thấy một "màu nắng” khô khốc. Nắng nóng kéo dài đã làm cho khe suối, ao hồ trên địa bàn đều cạn kiệt nước. Ngay cả Ba Nương, là hồ thủy lợi lớn nhất huyện Minh Hóa, cũng đã sắp chạm mực nước chết. Trên các cánh đồng, hàng chục ha diện tích lúa hè-thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh đã bắt đầu khô héo, mặt ruộng nứt toác vì thiếu nước tưới.
Ông Đinh Minh Chính, thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa lo lắng chia sẻ: “Vụ hè- thu này, gia đình tôi gieo cấy được 3 sào ruộng, hưởng nước trực tiếp từ hồ chứa Ba Nương. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi mực nước hồ Ba Nương xuống thấp, những đám ruộng của gia đình không còn nước để tưới nữa nên đang chết dần. Gần 2 triệu tiền vốn đổ xuống, nếu vài ngày nữa mà trời vẫn không mưa thì xem như mất trắng”.
![]() |
Vụ hè-thu năm nay, xã Xuân Hóa gieo cấy được 63ha nhưng hiện tại đã có gần 20ha lúa bị thiếu nước tưới; lúa bắt đầu héo úa, chết dần.
Ông Đinh Minh Tâm, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Hóa cho biết: "Mặc dù xã đã có những phương án chủ động chống hạn từ đầu vụ, tuy nhiên, do năm nay nắng nóng kéo dài, mực nước ở các hồ đập, đặc biệt là hồ Ba Nương, giảm xuống quá nhanh, không có nguồn nước nào để thay thế chống hạn, nên diện tích lúa thiếu nước, chết cháy ngày càng tăng lên".
Trong khi đó, tại xã Hóa Hợp, gần 1 tháng qua, địa phương này đã huy động hai máy bơm công suất lớn hoạt động cả ngày lẫn đêm nhằm bảo đảm nước tưới cho trên 58ha diện tích lúa hè-thu của xã.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết, hiện nguồn nước ở các khe suối đã cạn kiệt, máy bơm phải nối vòi dài, cộng với nắng nóng làm tiêu hao nước lớn nên công tác chống hạn của xã gặp rất nhiều khó khăn.
"Điều quan trọng chính là việc chống hạn không chỉ có nước tưới cho lúa, mà còn tạo ra mạch nước ngầm để phục vụ sinh hoạt cho người dân và nước uống cho gia súc. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn kinh phí của xã, huyện Minh Hóa cũng đã hỗ trợ kinh phí để xã mua thêm 1 máy bơm, tiếp tục thực hiện việc chống hạn”, ông Quyết chia sẻ.
Là một huyện miền núi, diện tích đất sản xuất lúa không lớn, nhưng năm nào vụ hè-thu của Minh Hóa cũng chịu tác động nặng nề do hạn hán, thiếu nước tưới. Do đó, ngay từ đầu vụ, huyện Minh Hóa đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, không gieo cấy những diện tích thiếu nước cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn.
![]() |
Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa cho biết, vụ hè-thu năm 2020, toàn huyện thực hiện gieo cấy được 483,21ha. Hiện tại, mực nước ở các hồ đập trên địa bàn huyện đã xuống thấp, nhiều hồ nhỏ đã cạn kiệt, các hồ chứa lớn cũng đã nằm ở mực nước chết. Toàn huyện hiện có 141ha lúa đang thiếu nước tưới và có khả năng mất trắng cao. Những ngày tới, nếu không có mưa thì tình trạng thiếu nước tưới sẽ thêm trầm trọng, diện tích mất trắng sẽ tăng cao.
Hiện nay, UBND huyện Minh Hóa đã trích kinh phí dự phòng mua 10 bộ máy bơm công suất lớn cấp cho các địa phương chống hạn. Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, huyện cũng đã trích kinh phí để tu sửa, khơi thông các công trình thủy lợi, kênh mương dẫn nước; đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị áp dụng biện pháp điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm, luân phiên...nhằm chống hạn hiệu quả, tránh thiệt hại ở mức thấp nhất do hạn hán gây ra.
Phan Phương