Những chuyển biến tích cực

  • 08:07, 02/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn và đạt được những chuyển biến tích cực.
 
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: "Năm 2019, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về biển, đảo thông qua nhiều hình thức phong phú, thông tin đến từng đối tượng đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện khá hiệu quả.
 
Trong đó, đã tổ chức 454 đợt tuyên truyền với 52.857 lượt người tham dự; in ấn, phát hành 9.500 tờ rơi, sổ tay pháp luật; 18 phóng sự và 224 bản tin, chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng; 1 triển lãm bản đồ số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc".
  Công tác quản lý, quy hoạch, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven biển luôn được Quảng Bình đặc biệt quan tâm.
Công tác quản lý, quy hoạch, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven biển luôn được Quảng Bình đặc biệt quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương thực hiện nhiều hoạt động trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, như: Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, chiến dịch "Hãy làm sạch biển", Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường... Các hoạt động đã được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với những nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và tầng lớp nhân dân.
 
Về khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa. Hiện tỉnh có gần 7.400 tàu, thuyền khai thác thủy sản có động cơ, trong đó, tàu, thuyền khai thác vùng biển có động cơ là hơn 5.700 chiếc và trên 1.200 tàu cá tham gia đánh bắt vùng biển xa.
 
Quảng Bình cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (khai thác IUU), tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, kiện toàn Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá phù hợp với tổ chức của cơ quan, đơn vị, quy định của pháp luật và đặc điểm, tình hình nghề cá của tỉnh.
 
Theo quy hoạch hệ thống cảng biển, toàn tỉnh có các bến cảng: Cảng Gianh, bến cảng xăng dầu sông Gianh, cảng Hòn La và bến cảng Thắng Lợi. Những năm qua, các chỉ tiêu về cảng biển đều tăng trưởng mạnh, số lượng hàng hóa và lượt tàu qua cảng đều tăng. Toàn tỉnh có 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đi vào hoạt động, gồm khu neo đậu tránh trú bão cửa Roòn, cửa Gianh và Nhật Lệ, 2 cảng cá là cảng cá Nhật Lệ, cảng cá sông Gianh, giải quyết, đáp ứng một phần nhu cầu bóc dỡ hàng hóa, dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, đồng thời, tỉnh đang xây dựng bến chợ thủy sản Quảng Phúc, khu neo đậu tránh trú bão Bắc Sông Gianh.
   Quảng Bình chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế biển.
Quảng Bình chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế biển.
Hiện, tỉnh đang tiếp tục tập trung nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá và củng cố các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác trên tàu cá... theo hướng hiện đại, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển.
 
Những năm qua, Quảng Bình đã tập trung thực hiện dự án "Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình giai đoạn 2015-2020" với việc trồng mới và chăm sóc 1.300ha rừng phòng hộ, trong đó, ưu tiên trồng mới rừng cát ven biển với các loại cây, như: phi lao, keo lá tràm. Hiện tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành thực hiện dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (Dự án FMCR). Khi dự án này triển khai sẽ đạt được một số kết quả chính, gồm: trồng mới 1.458ha, phục hồi 1.625ha rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn; bảo vệ 1.153ha rừng ven biển thông qua hình thức giao rừng cho nhóm hộ/cộng đồng quản lý lâu dài theo cơ chế đồng chia sẻ lợi ích.
 
Đáng chú ý, về khai thác năng lượng tái tạo vùng ven biển, hiện nay, các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát và triển khai đầu tư nhiều nhà máy điện tái tạo tại khu vực ven biển Quảng Ninh-Lệ Thủy như: dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy 49,5MW; Dự án Điện mặt trời 50MW của Tập đoàn Sơn Hải; dự án Điện gió tại khu vực mặt biển tại thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch của Liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm và Quadran International (Pháp); dự án Trang trại điện gió 250MW của Công ty B&T Windfarm…, góp phần bảo đảm nhu cầu về điện để phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển của tỉnh.
 
Về phát triển du lịch, ông Đặng Đông Hà-Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch phát triển du lịch quan trọng khác để làm cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch vùng biển và ven biển. Cùng với đó, tỉnh đã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ-Quang Phú, Đá Nhảy, khu dọc bờ biển từ Hải Ninh đến Hồng Thủy; kêu gọi, triển khai đầu tư nhiều dự án mới về cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển.
 
Ngoài ra, tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng, phát triển các điểm du lịch biển mới với chất lượng tốt, kết hợp có hiệu quả với du lịch hang động, lịch sử, tâm linh trên địa bàn tỉnh để mở rộng các tuyến, nâng cao hiệu quả của du lịch biển.
 
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với du lịch biển được đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu và chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, nhiều sản phẩm, loại hình du lịch biển không ngừng nâng cao chất lượng, thu hút lượng lớn khách du lịch đến với tỉnh.
 
Để phục vụ cho phát triển kinh tế biển bền vững, Sở TN-MT đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu TN-MT vùng biển, ven biển và hải đảo; điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và môi trường sinh thái khu vực ven biển; thường xuyên tiến hành quan trắc chất lượng nước biển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm việc chấp hành đúng pháp luật về việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên biển...
 
Cùng với đó, hiện tại, Sở TN-MT đang triển khai dự án điều tra, khảo sát, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, khai thác và sử dụng bền vững vùng ven biển, bảo tồn, bảo vệ và duy trì dịch vụ của hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng an ninh...
 
                                                                                               Đức Thành
 

tin liên quan

Du lịch toàn cầu có thể thiệt hại tới 3.300 tỷ USD do dịch COVID-19
Du lịch toàn cầu có thể thiệt hại tới 3.300 tỷ USD do dịch COVID-19
Mỹ là nước chịu thiệt hại về du lịch nhiều nhất với sự "bốc hơi" 538 tỷ USD (3% GDP) nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài 12 tháng, tiếp sau là Trung Quốc, Thái Lan và Pháp.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm soát lạm phát dưới 4% là khả thi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm soát lạm phát dưới 4% là khả thi
Sáng 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
 
Các hội nghị, hội chợ khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13-7
Các hội nghị, hội chợ khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13-7

(QBĐT) - Ngày 2-7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban tổ chức hội nghị ngành công thương và các hội nghị, hội chợ ngành công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020 tại Quảng Bình, do đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.