OCOP từ góc nhìn người tiêu dùng-Kỳ 3: OCOP và "trận chiến" với Covid-19

  • 08:07, 22/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, chương trình OCOP Quảng Bình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, sản phẩm ứ đọng, lao động bị tạm ngưng hoặc mất việc, nhiều kế hoạch phát triển thị trường phải "đóng băng"... Thực tế đó đặt ra thách thức trước mắt và lâu dài, đó là người sản xuất phải xây dựng sẵn nhiều kịch bản, chuẩn bị chu đáo cho mọi phương án, nhằm tránh bị động và giảm tối đa thiệt hại trước những biến động lớn.
 
Du lịch bị ngưng trệ trong suốt thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch khiến nhiều mặt hàng OCOP phục vụ đối tượng khách du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến khoai deo-đặc sản nổi tiếng của Quảng Bình không thể xuất hàng, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh.
 
Chị Trương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Linh Huệ cho biết, nếu những năm trước, Công ty tiêu thụ từ 30-32 tấn khoai deo, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, thì trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách đến Quảng Bình có giai đoạn “đóng băng”, sản lượng khoai deo đạt thấp, thị trường chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún trong tỉnh, ảnh hưởng mạnh đến thu nhập của người lao động. Cùng chung hoàn cảnh đó là các cơ sở sản xuất khoai deo khác trên địa bàn tỉnh, như: Công ty TNHH Như Mận, HTX SXKD DV khoai lang Lâm Hường, HTX sản xuất và chế biến khoai deo Hải Ninh...
Các cơ sở sản xuất khoai deo bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.
Các cơ sở sản xuất khoai deo bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.
Một sản phẩm khác tưởng chừng như không liên quan đến đại dịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề là ớt Hồng Thủy. Chị Hồ Thị Gái, chủ cơ sở thu mua chế biến nông sản Thanh Gái (Hồng Thủy, Lệ Thủy) cho biết, lô hàng ớt tươi dự định xuất sang nước bạn Lào đành phải hủy do đóng cửa khẩu phòng, chống dịch khiến hàng tồn kho lớn. Giá ớt cũng giảm mạnh, từ 15.000-20.000 đồng/kg xuống còn 5.000-6.000 đồng/kg, khiến cơ sở tăng thêm phần thiệt hại. HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi 2 tấn hải sản đông lạnh xuất sang thị trường Trung Quốc bị ngừng, gây thiệt hại 2 tỷ đồng. HTX hiện đang nỗ lực xoay xở các thị trường khác, giải quyết lượng hàng tồn kho.
 
Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng OCOP lại tiêu thụ tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19, như các sản phẩm nấm sạch của HTX sản xuất nấm sạch và KDNN Tuấn Linh. Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình chia sẻ, với chất lượng bảo đảm, bao bì hiện đại, tiện lợi và phù hợp nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, các sản phẩm này (nấm khô, trà nấm...) rất được khách hàng ủng hộ.
 
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tuấn Linh Nguyễn Quốc Hương cho biết thêm, cũng giống như nhiều cơ sở sản xuất khác, đối với mặt hàng nấm tươi, HTX giảm tới 50% doanh thu trong mùa dịch, do các nhà hàng, khách sạn, trường học… (những nguồn tiêu thụ chính) đóng cửa.
 
Do đó, HTX phải nhanh chóng điều chỉnh hướng kinh doanh, tập trung các sản phẩm sau chế biến, như: nấm dược liệu, nấm khô… Đồng thời, HTX có sự bố trí, sắp xếp nhân công hợp lý để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
 
Tuy nhiên, theo ông Hương, sau giai đoạn này, có lẽ, rất cần những dự báo kịp thời của chính quyền chức năng trước các biến động lớn của thị trường để các cơ sở sản xuất có sự điều chỉnh, linh hoạt, tránh bị động, bế tắc. Và đặc biệt, rất cần những lớp tập huấn, bồi dưỡng ứng phó khủng hoảng cho chủ cơ sở sản xuất để mỗi cơ sở sản xuất hoàn toàn có thể tự xây dựng kịch bản ứng phó cho mọi tình huống biến động của thị trường.
 
Điều này cho thấy, việc hỗ trợ để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là HTX, tổ hợp tác do nông dân làm chủ, không bất ngờ, bị động trước các “chướng ngại lớn” trên thị trường, như: đại dịch Covid-19, thiên tai…, đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, trong tương lai, trước sự biến đổi bất thường của khí hậu, mối quan hệ quốc tế đa chiều..., nhiều biến động lớn hoàn toàn có thể xảy ra. Thay vì loay hoay ứng phó, việc chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án đối đầu luôn là giải pháp tối ưu nhất. Đặc biệt, khâu giải quyết sau khủng hoảng cũng cần được "đưa đường chỉ lối" rõ ràng, chi tiết.
 
 HTX Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) tồn kho 2 tấn hải sản đông lạnh do dịch bệnh Covid-19.
HTX Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) tồn kho 2 tấn hải sản đông lạnh do dịch bệnh Covid-19.
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng chia sẻ quan điểm này. Ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp- PTNT, UBND tỉnh ban hành Công văn số 229/UBND-KT, ngày 24-2/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án OCOP năm 2020, trong đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chu trình OCOP ngay từ đầu năm, tổ chức hội nghị ban chỉ đạo cấp huyện trong Quý I-2020 để tiếp nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm trước ngày 30-9-2020.
 
Theo đó, ngay từ đầu năm, các địa phương sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn có các chủ thể kinh tế đăng ký ý tưởng sản phẩm, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp nên công tác tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn đa số chưa thực hiện được mà chỉ ban hành công văn hướng dẫn các xã đăng ký ý tưởng sản phẩm. Hiện nay, một số địa phương đã triển khai các bước tiếp theo của chu trình và đang ở bước thứ 4 “triển khai kế hoạch kinh doanh” bảo đảm theo tiến độ của chu trình OCOP thường niên, còn lại một số địa phương vẫn chưa thực hiện được.
 
Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn nêu trên, Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai chu trình OCOP, đặc biệt với các địa phương chưa triển khai, đồng thời, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hoàn thành hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo yêu cầu của tỉnh đặt ra.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Nỗ lực ngăn chặn cháy rừng
Nỗ lực ngăn chặn cháy rừng
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình nắng nóng kéo dài, khô hạn diễn biến phức tạp kèm theo tác động mạnh của gió phơn Tây Nam, một số khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có dự báo cháy rừng đạt cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể người dân.
 
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 55
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 55

(QBĐT) - Ngày 22-7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020; triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

 

Giá vàng trong nước chạm mốc 53 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước chạm mốc 53 triệu đồng/lượng

Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 22-7 tiếp tục leo lên mức cao nhất từ trước đến nay và đã chạm mốc 53 triệu đồng/lượng.