(QBĐT) - Gần 3 năm triển khai, 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hàng chục sản phẩm OCOP cấp huyện, nhiều chuỗi giá trị phát huy hiệu quả…, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) chính là minh chứng rõ nét cho sự đổi thay từ tư duy đến cách làm của những người sản xuất kinh doanh Quảng Bình trong thời đại công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người tiêu dùng, vẫn còn đó những trăn trở, băn khoăn để các sản phẩm OCOP thật sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, khẳng định thương hiệu và hướng đến những mục tiêu xa hơn.
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình chia sẻ, một trong những hạn chế lớn của không chỉ các sản phẩm OCOP Quảng Bình, mà còn nhiều mặt hàng nông sản địa phương khác chính nằm ở khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi thực tế cho thấy, cho dù sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thậm chí được bày bán ở các địa điểm uy tín, nhưng ít được quảng bá, giới thiệu, thì người tiêu dùng cũng khó có thể nhận diện và lựa chọn sản phẩm.
Loay hoay quảng bá
Sản phẩm mật ong Trường Thủy vốn nổi tiếng khắp xa gần về chất lượng và đang được huyện Lệ Thủy đầu tư đưa vào sản xuất theo chuỗi giá trị, kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP ấn tượng với thương hiệu mật ong Lệ Thủy.
Ông Trương Tấn Ngọc, Chủ nhiệm HTX nuôi ong lấy mật Trường Thủy cho biết, một mùa, HTX sản xuất từ 4.500 đến 5.000 lít mật. HTX đã được huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc… Tuy nhiên, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm rất khó khăn khiến sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún, thương lái đến thu mua tại nhà theo nhu cầu. HTX cũng không có điều kiện thu mua sản phẩm của hội viên, bởi không tìm được thị trường.
![]() |
Theo ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, sau khi xã Văn Thủy-địa phương cũng có truyền thống nuôi ong lấy mật sáp nhập với xã Trường Thủy, mật ong Trường Thủy có nhiều cơ hội phát triển hơn. Thế nhưng, với những hạn chế trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh đối với mật ong Trường Thủy dường như là một “bài toán” quá khó.
Tương tự như vậy, sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh khoai deo Lâm Hường của HTX SXKD DV Khoai lang Lâm Hường cũng gặp nhiều gian nan trong khâu quảng bá, giới thiệu. Chị Lê Thị Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Lâm Hường chia sẻ, bên cạnh khoai deo, HTX đa dạng nhiều sản phẩm từ khoai, như: khoai dẻo, khoai sấy gừng, khoai khô, tinh bột khoai lang... Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác hiện đại, phù hợp nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn chưa được biết đến rộng rãi. 70-80% sản phẩm của HTX được bán qua mạng xã hội Facebook, còn lại là các đơn hàng đơn lẻ, chưa có mối thị trường lớn.
Mặc dù, HTX được sự hỗ trợ tích cực từ huyện Lệ Thủy, các ban, ngành liên quan... nhưng thị trường tiêu thụ vẫn khá bó hẹp, đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, thị phần lại càng hạn chế. Mong muốn lớn nhất của HTX, theo chị Hường, chính là được hỗ trợ, tạo điều kiện mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đồng thời, có cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm...
Đây là thực trạng chung của nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, đúng như đánh giá của ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn. Bên cạnh một số sản phẩm do các công ty, doanh nghiệp đầu tư triển khai tốt khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hầu hết các cơ sở sản xuất do HTX, tổ hợp tác hay nông dân làm chủ thường gặp nhiều vướng mắc đối với khâu quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ của người sản xuất còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin, PR hay marketing chuyên nghiệp. Đặc biệt, mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng, nhưng chủ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP vẫn rất cần sự hỗ trợ chuyên sâu về lĩnh vực quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP hoặc tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
“Cửa hẹp” đến các thị trường tiềm năng
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình khẳng định, nhiều sản phẩm “make in Quảng Bình” vẫn được siêu thị bày bán và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, như: các sản phẩm nấm của HTX sản xuất nấm sạch và KDNN Tuấn Linh, khoai deo Như Mận, dầu lạc Trường Thủy... Siêu thị cũng có nhiều ưu tiên, tạo điều kiện cho các nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, nông thủy sản Quảng Bình. Siêu thị cũng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nội tỉnh, như: thông qua các đợt bán hàng lưu động, hỗ trợ đưa sản phẩm bày bán tại các siêu thị Co.opmart ở các tỉnh bạn.... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại, rất cần đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, qua đó, khách hàng, nhất là khách du lịch, biết đến và tìm mua.
“Nếu các sản phẩm OCOP chú trọng mạnh mẽ khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là triển khai các đợt quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, cùng với bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, thì không lý do gì khách hàng từ chối sử dụng”, ông Dương Thảo khẳng định.
Ông Nguyễn Cảnh Thái, Giám đốc siêu thị Vinmart Quảng Bình cũng chia sẻ những nhận định tương tự. Trên thực tế, các sản phẩm OCOP hầu như vắng bóng tại chuỗi siêu thị Vinmart Quảng Bình, chỉ có sản phẩm khoai deo được du khách ưu chuộng bởi "là đặc sản có tiếng". Các cơ sở sản xuất nên mạnh dạn quảng bá, giới thiệu và đề xuất hợp tác với siêu thị để có thể bày bán sản phẩm của mình trong hệ thống. Về phía Vinmart cũng luôn nỗ lực hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa không chỉ với các sản phẩm OCOP mà còn nhiều mặt hàng nông thủy sản khác của Quảng Bình với điều kiện bảo đảm chất lượng và các yêu cầu đặt ra.
![]() |
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho biết, khâu quảng bá đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm. Thế nhưng, đây cũng là một trong những khâu yếu trong lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP ở Quảng Bình.
Trong triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên có tất cả 6 bước, trong đó, bước thứ 6 “xúc tiến thương mại” được xem là bước cuối cùng nhưng quan trọng nhất, sản phẩm OCOP sản xuất ra phải tiêu thụ được.
Do đó, ngay khi bắt đầu triển khai đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020", Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp- PTNT tổ chức tham gia nhiều lượt quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong nước.
Thời gian tới, để đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, Chi cục tiếp tục đưa ra một số giải pháp, như: tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình, website OCOP tỉnh, các hoạt động hội nghị hội thảo; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong nước thông qua hội chợ, hội nghị, triển lãm; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, hội nghị, triển lãm của ngành Công thương, Hội LHPN tỉnh, Liên minh HTX tỉnh...
Mai Nhân
Kỳ 2: “Khoác áo mới” cho sản phẩm OCOP