Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo hiệu quả

  • 09:06, 17/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ nỗ lực huy động mọi nguồn lực nhằm triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã giảm mạnh qua hàng năm, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.
 
Từ năm 2016 đến nay, huyện Lệ Thủy đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để huy động trên 589,81 tỷ đồng thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Lệ Thủy cho biết: “Từ nguồn kinh phí đó, huyện đã tập trung vào công tác đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh nhằm mục tiêu giảm nghèo.
 
Trong đó, huyện đã tạo điều kiện vay vốn cho 1.192 lượt hộ dân để phát triển sản xuất, 1.405 người dân đi xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho 19.314 lao động, đào tạo nghề cho 1.795 học viên”.
 
Riêng trong phát triển sản xuất, huyện đã hỗ trợ hơn 4.593 lượt hộ dân, triển khai 10 mô hình giảm nghèo trên địa bàn hiệu quả với 230 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Ngoài ra, các chế độ chính sách, như: bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, nhà ở, trợ giúp xã hội cũng được triển khai thường xuyên… Trong 5 năm qua, huyện Lệ Thủy đã giảm được 3.436 hộ nghèo (bình quân mỗi năm đạt 1,83%). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 4,39%.
Đàn dê của anh Hồ Văn Kinh, bản Khe Khế, xã Kim Thủy mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Đàn dê của anh Hồ Văn Kinh, bản Khe Khế, xã Kim Thủy mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Trước đây, Hưng Thủy được biết đến là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với nhiều địa phương khác. Ông Võ Danh Thuấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy cho biết: “Để giảm hộ nghèo, xã đã lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương để đưa vào sản xuất.
 
Đồng thời, xã khuyến khích bà con mạnh dạn vay vốn để phát triển các trang trại, gia trại; vận động con em trong xã tham gia xuất khẩu lao động, đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập”. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 12,3%, đến nay đã giảm xuống còn 4,73%. Hiện xã đã cán đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2016.
 
Tại xã Kim Thủy, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ và chính quyền nơi đây quan tâm. Để công tác giảm nghèo hiệu quả, xã đã hướng dẫn bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp. Đồng thời, xã vận động bà con mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ…Năm 2007, anh Hồ Văn Kinh, ở bản Khe Khế lập gia đình và ra ở riêng.
 
Đời sống của đôi vợ chồng trẻ lúc đó gặp rất nhiều khó khăn khi ba đứa con lần lượt chào đời. Ngày đó, cha mẹ làm cho anh ngôi nhà tạm bợ, cho 3ha đất trồng rừng. Dự án SRDP và UBND huyện đã hỗ trợ cho anh 5 con dê giống. Từ đó, vợ chồng anh đã đẩy mạnh trồng, chăm sóc rừng, phát triển chăn nuôi, trồng 1ha lúa nước, mua máy cày về làm đất thuê.
 
Vợ anh thì làm công nhân cạo mủ cao su cho Lâm trường Kiến Giang và bán hàng tạp hóa. Đến nay, rừng của anh đã cho thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa được trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình anh có thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng và đã thoát nghèo từ năm 2017. Hồ Văn Kinh chia sẻ: : “Giờ nhà có của ăn, của để rồi chứ không lo đói từng bữa như trước nữa. Năm ngoài, miềng bán dê, bán rừng trồng nên đã sửa lại được căn nhà khang trang hơn ”.
 
Đến nay, xã Kim Thủy có 17 trang trại, gia trại. Tổng đàn gia súc của xã đạt trên 1.700 con, trên 24.000 con gia cầm, trên 7.300 ha rừng trồng. Diện tích rừng khai thác bình quân hàng năm đạt 250ha, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 23.000 tấn, đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng đang phát triển mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động.
 
Nếu như năm 2016, xã Kim Thủy có 701 hộ nghèo, chiếm 65% thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 429 hộ /4.358 hộ dân, chiếm 35,93%. Ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: “Sắp tới, xã sẽ tập trung chỉ đạo bà con phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, xã vận dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện cho bà con mở các trang trại, gia trại cùng các loại hình dịch vụ nhằm tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
 
Chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của huyện Lệ Thủy đã cho thấy sự hiệu quả khi các chỉ tiêu, kế hoạch đều vượt so với dự kiến. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống của người nghèo toàn huyện, cơ sở hạ tầng các vùng khó khăn cũng được cải thiện rõ nét, hàng nghìn người dân có việc làm, thu nhập ổn định.
 
Xuân Vương
 

tin liên quan

​Giá vàng điều chỉnh không đồng nhất, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng
​Giá vàng điều chỉnh không đồng nhất, tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng
Doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng SJC không đồng nhất phiên sáng 17-6, mức giá lên xuống trong khoảng 10.000-20.000 đồng mỗi lượng.

 

Kịp thời nắm bắt và giải quyết tốt các kiến nghị của doanh nghiệp
Kịp thời nắm bắt và giải quyết tốt các kiến nghị của doanh nghiệp

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (BCĐTGKKCDN) trên địa bàn tỉnh tại cuộc họp được UBND tỉnh tổ chức vào sáng nay, 17-6.

Họp báo giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020
Họp báo giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020

(QBĐT) - Chiều 15-6, Sở Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020.