(QBĐT) - Khác hẳn với không khí vắng vẻ của cùng kỳ năm trước, bước vào sản xuất vụ hè-thu 2020, trên các cánh đồng, nông dân huyện Bố Trạch đang tất bật với các công đoạn chuẩn bị cho việc xuống giống lúa. Đây là tín hiệu khởi đầu khả quan đối với vụ sản xuất này.
Tín hiệu khả quan
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Trước nguy cơ bỏ trắng đất lúa vụ hè-thu như những năm trước, ngay từ đầu vụ, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp cụ thể thực hiện sản xuất nhằm tận dụng từng diện tích đất, giảm thiểu thấp nhất đất bị bỏ trống trên địa bàn toàn huyện. Vụ hè-thu năm nay, toàn huyện Bố Trạch phấn đấu thực hiện sản xuất 2.650ha lúa/2.100ha trong kế hoạch. Sở dĩ, ngay từ đầu vụ, huyện giao cho các địa phương thực hiện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch là tránh lặp lại tình trạng bỏ hoang đất sản xuất vụ hè-thu như năm 2019”.
Để bảo đảm tiến độ sản xuất, năng suất, chất lượng lúa, huyện Bố Trạch ban hành chính sách hỗ trợ 3.000 đồng/kg giống lúa chất lượng cao. Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã tập trung hướng dẫn bà con thu hoạch đến đâu, làm đất và tiến hành xuống giống đến đó. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các địa phương sản xuất được trên 150ha ngô, lạc.
Đặc biệt, năm nay, dưa hấu được mùa được giá, nên bà con trên toàn huyện tiếp tục gieo giống vụ hè-thu với trên 200ha. Hiện nay, một số địa phương đang ra quân diệt chuột, tiến hành cày ải và gieo sạ, như: xã Bắc Trạch, xã Vạn Trạch...; các địa phương đang làm đất, đắp bờ và bơm nước, như: xã Lý Trạch, xã Đại Trạch, thị trấn Phong Nha... Đến thời điểm này, trên địa bàn có khoảng 50% diện tích lúa đã xuống giống.
![]() |
“Nếu như năm trước, toàn huyện Bố Trạch gieo cấy 1.800ha lúa trong tổng số trên 2.600ha lúa vụ hè-thu thì năm nay, toàn huyện sẽ đạt hơn 2.650ha/2.100ha theo kế hoạch và nhiều địa phương vượt kế hoạch xuống giống lúa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.
Các xã Đại Trạch, Lý Trạch gặp khó khăn trong việc triển khai sản xuất lúa hè-thu năm 2019, nhưng năm nay, những tín hiệu khả quan đến với các địa phương này khi gần 100% diện tích được tận dụng cho sản xuất lúa.
Ông Lê Văn Duẫn, Chủ tịch UBND xã Lý Trạch phấn khởi cho biết, năm nay, nhờ công tác vận động sớm và có những chính sách khuyến khích phù hợp từ huyện đến xã nên vụ hè-thu cơ bản sẽ phủ xanh đất trống. Nếu như năm 2019, toàn xã chỉ gieo cấy 25ha/90ha kế hoạch thì năm nay, Lý Trạch thực hiện đạt gần 100% diện tích đã đề ra. Hiện, bà con đã triển khai xong các công đoạn, như: vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột và đang tiến hành bơm nước vào ruộng, cày bừa đất để xuống giống lúa.
Một số địa phương khác trên toàn huyện đều tăng diện tích sản xuất, như: xã Đại Trạch, xã Bắc Trạch, xã Mỹ Trạch, xã Lý Trạch, thị trấn Phong Nha...
“Năm 2019, bước vào vụ hè-thu là thời điểm nắng hạn nặng, thiếu nước và một số vấn đề khác nên xã Mỹ Trạch hoàn toàn không sản xuất lúa. Rút kinh nghiệm, nên từ đầu vụ, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con; triển khai xây dựng một số công trình kênh mương thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Do đó, vụ hè-thu năm nay, bà con nông dân toàn xã đồng lòng sản xuất với tổng diện tích trên 50ha lúa”, ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cho hay.
Giải pháp thích hợp
Đánh giá chung của lãnh đạo huyện Bố Trạch, bên cạnh những giải pháp thiết thực được triển khai sớm nhằm tránh tình trạng bỏ đất trống vụ hè-thu, thì năm nay có điểm thuận lợi nhờ “thiên thời, địa lợi”, vụ đông-xuân lại “được mùa, được giá”. Đây là động lực khiến bà con tự tin bước vào sản xuất hè-thu. Bên cạnh đó, nguồn nước dồi dào. Hiện mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện Bố Trạch cao, đủ để cung cấp sinh hoạt và sản xuất. Huyện cũng đưa ra các chính sách phù hợp, như: trợ giá giống chất lượng cao… Thêm vào đó, các xã cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm giá giống; đồng thời, bảo đảm các khâu điều hành nước, tổ chức cày bừa, cấp thuốc phòng trừ sâu bệnh và diệt chuột gây hại... Một số xã dựa trên kế hoạch của huyện để phát động sản xuất và đưa vào các tiêu chí xếp loại đảng viên, đoàn viên, hội viên...
![]() |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, một trong những yếu tố chính tạo động lực cho người dân sản xuất lúa vụ hè-thu là hiệu quả sản xuất ngày càng nâng cao. Giá lúa chất lượng cao tăng từ 550.000 đồng lên 850.000 đồng/tạ, một số nơi chênh lệch cao hơn. Như vậy, cứ 1 sào lúa, trừ chi phí, người nông dân lãi được 700 nghìn đồng, mỗi ha lãi khoảng 12-14 triệu đồng.
Thứ hai là do năm nay nguồn nước bảo đảm cho sản xuất. Thêm vào đó, huyện giao chỉ tiêu cho các địa phương sớm. Các xã cũng chủ động trong tổ chức sản xuất. Đến nay, nhiều xã trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành các khâu bảo đảm trước khi tiến hành gieo giống. Đặc biệt, trên các cánh đồng, các địa phương đã đồng loạt tổ chức ra quân làm đất, diệt chuột, nạo vét kênh mương, bơm nước về đồng ruộng… chuẩn bị sản xuất, tạo được không khí vui tươi, lạc quan cho bà con nông dân trong tiết trời nắng nóng.
“Một điều nữa có tác động lớn khiến bà con thêm mặn mà với cây lúa hơn chính là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động thiếu việc làm, các dịch vụ du lịch ngừng hoạt động và gặp nhiều khó khăn khi khởi động trở lại. Vì vậy, phương pháp cứu cánh trước mắt của bà con trên địa bàn thị trấn Phong Nha là chú trọng sản xuất lúa nước. Toàn thị trấn gieo cấy được 250ha/230ha kế hoạch huyện giao, diện tích vượt so với cùng kỳ năm trước”, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Trần Nam Trung chia sẻ.
Với những thuận lợi cơ bản và các giải pháp đồng bộ, thiết thực, vụ hè-thu năm nay, các diện tích đất canh tác của huyện Bố Trạch đều được người dân tận dụng để sản xuất, cơ bản được phủ xanh. Hy vọng bà con trên địa bàn huyện có thêm một vụ lúa trĩu hạt trong năm 2020.
Hương Trà