Cảng cá xuống cấp, ngư dân gặp khó

  • 08:05, 06/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, hệ thống cảng cá trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng do thời gian sử dụng quá lâu chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, lại thường xuyên quá tải.
 
Trước đây, Quảng Bình có cảng cá Nhật Lệ và cảng cá Sông Gianh. Đến tháng 10-2018, hai cảng cá này sáp nhập thuộc BQL Cảng cá Quảng Bình do Sở Nông nghiệp-PTNT quản lý. Theo phản ánh của nhiều bà con ngư dân, hệ thống cảng cá hiện vừa xuống cấp, vừa chật chội gây khó khăn cho việc cập bến của các tàu thuyền.
 
Cảng cá Sông Gianh được đầu tư xây dựng với tổng số vốn 19 tỷ đồng từ nguồn của Dự án ADB, do Bộ Thủy sản (nay nhập vào Bộ Nông nghiệp-PTNT) làm chủ đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 2001. Cảng có diện tích 22.000m2, được thiết kế cho 30 chiếc tàu công suất từ 150 CV, dài từ 12m trở xuống cập cảng trong một ngày. Cảng có 2 cầu tàu với tổng chiều dài gần 110m. Đây là một trong những cảng cá lớn nhất của khu vực Bắc Trung Bộ, thuận lợi cho việc đến các ngư trường cá lớn cũng như việc cập cảng của tàu cá từ các tỉnh khác. 
Mặt sân cảng cá Nhật Lệ Bị sụt lún sau 20 năm sử dụng
Mặt sân cảng cá Nhật Lệ Bị sụt lún sau 20 năm sử dụng
Qua quá trình phát triển của nghề đánh bắt hải sản, số lượng tàu cá thường xuyên cập cảng cá Sông Gianh tăng mạnh, gây tình trạng quá tải, khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng. Trung bình mỗi năm, cảng cá Sông Gianh có khoảng 7.000 lượt tàu ra vào với số lượng hàng hóa được bốc xếp lên xuống từ 9.000 đến 12.000 tấn/năm. Cảng xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho lượng lớn tàu thuyền ra vào.
 
Theo quan sát của chúng tôi, bề mặt bê tông trên các mặt cầu tàu, chỗ neo đậu đã bong tróc, trụ và sàn cầu nhiều chỗ sắt bị bung ra. Nhà cửa, sân bãi, đường ra cảng cũng sụt lún nhiều nơi gây trở ngại cho việc ra vào, vận hành, bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu. Dưới chân các cầu cảng cũng bị cát bồi phía trong và 2 bên. Phía trước cầu cũng bị cát lấp, làm nước cạn còn từ 2 đến 5m khiến nhiều tàu cá 800 CV trở lên thường xuyên mắc cạn khi thủy triều hạ.
 
Ông Huỳnh Hoàng, một chủ tàu tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên cập cảng cá Sông Gianh cho biết: “Tàu cá của tôi thường xuyên khai thác hải sản khu vực vùng biển Trường Sa. Do cảng cá Sông Gianh quá tải nên mỗi lần cho tàu cập cảng bán hải sản phải dừng tàu chờ đợi khá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Có khi bốc hàng xong thì thủy triều xuống, không thể cho tàu ra khơi ngay mà phải chờ đợi cả ngày trời. Nhiều lúc không vào được cảng, chúng tôi phải vào các “bến cóc” để bốc hàng”.
 
Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh, kiêm Trưởng cảng cá Sông Gianh cho hay: “Có đợt cao điểm, hàng chục lượt tàu cá ngư dân xếp hàng chờ cập cảng, ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu. Các loại xe tải cung cấp nguyên liệu, lương thực cho tàu cá hoặc xe thu mua hải sản phải đậu ngoài khu vực cầu cảng để trung chuyển, hết sức bất tiện”.
 
Tại cảng cá Nhật Lệ, tình trạng xuống cấp cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Cảng có tổng diện tích 4,5ha, được đầu tư xây dựng với số tiền 20 tỷ đồng từ nguồn vốn biên giới hải đảo và đưa vào sử dụng năm 2000. Hiện toàn bộ mặt sân bãi trong khu vực cảng đã bị sụt lún, nứt nẻ. Nhà phân loại hải sản cũng đã bị hư hỏng nhiều. Hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn bị tê liệt dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa mưa. Nhiều thiết bị điện cũng bị hư hỏng nên sử dụng mất an toàn, không đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của cảng. Khu vực dành cho tàu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa nhiều chỗ bị bong tróc, bật ra những thanh sắt hoen gỉ. Trung bình mỗi năm, cảng đón khoảng từ 2.000 đến 2.500 lượt tàu ra vào với khoảng 9.000 tấn hàng được bốc lên, xuống tàu. Hiện khu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa tại cảng cũng đang rất chật chội, chỉ đáp ứng được khoảng 20% lượng tàu cá cập cảng.
 
Ông Trần Đăng Thảo, Phó Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh cho biết: “Cảng cá xuống cấp, lại chật chội nên chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% tàu thuyền vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Còn lại, đa số các tàu cá đều phải neo đậu, bốc dỡ hàng ở các “bến cóc” gây khó khăn cho việc thống kê, kiểm soát tàu cá cũng như hàng hóa bốc dỡ của bà con. Trước thực trạng đó, tỉnh cũng đã cấp kinh phí để tu sửa nhưng vẫn chưa được đồng bộ. Về lâu dài, mong tỉnh quan tâm xây dựng lại các hệ thống cảng cá mới hoặc nạo vét tại khu vực các chân cầu cảng để tăng thêm số lượng tàu cập bến, sửa chữa thêm các hạng mục trong khu vực cảng để góp phần phát triển hậu cần nghề cá, trú tránh bão cũng như quản lý tàu thuyền trên địa bàn tỉnh được thuận lợi hơn”…
Xuân Vương

tin liên quan

Quảng Trạch: Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Quảng Trạch: Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Quảng Trạch luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, từng bước phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trồng rừng để dành...
Trồng rừng để dành...

(QBĐT) - Ngay cạnh con đường vào trung tâm xã Hóa Sơn (Minh Hóa), hàng chục năm nay sừng sững tồn tại một khu rừng trầm dó rộng gần 6ha xanh ngút tầm mắt. Khu rừng quý hiếm đó là tâm huyết cả đời của thương binh Đinh Ngọc Loan (SN 1958), một người mà tình yêu với rừng đã ăn sâu vào huyết quản… 

Hiệu quả từ Dự án cấp điện cho các thôn bản tại huyện Bố Trạch
Hiệu quả từ Dự án cấp điện cho các thôn bản tại huyện Bố Trạch

(QBĐT) - Dự án "Cấp điện cho các thôn bản thuộc các xã: Xuân Trạch, Tây Trạch, huyện Bố Trạch" do Sở Công Thương làm chủ đầu tư đã nghiệm thu hoàn thành toàn bộ các hạng mục đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả.