Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa: Dấu ấn một thập kỷ

  • 08:04, 27/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy, ngay từ giai đoạn đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tuyên Hóa gặp không ít khó khăn, thậm chí có cả sự lúng túng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
1. Ít ai ngờ rằng, từ một xã “trắng” về các tiêu chí, năm 2019, xã miền núi rẻo cao Hương Hóa lại trở thành một trong số ít địa phương của huyện Tuyên Hóa về đích NTM. Chỉ nói riêng về tiêu chí giao thông, sau một thời gian phát động, “nút thắt” khó khăn này đã được gỡ bỏ. Hàng trăm hộ dân hiến đất, hiến hàng rào, cây cối… với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng để mở rộng đường mà không hề đòi hỏi hỗ trợ, đền bù.
 
Đến nay, trên địa bàn xã đã bê tông hóa 46/50km đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn. Về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai, đặc biệt là đất rừng sản xuất, lãnh đạo xã Hương Hóa đã tập trung vận động người dân đẩy mạnh xóa bỏ vườn tạp, chuyển đổi sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế, để hình thành sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, gần một nửa số hộ trong xã tham gia phát triển rừng trồng. Trên 30ha diện tích trồng bưởi tập trung đã mang lại hiệu quả cao. Nhiều gia đình kết hợp với chăn nuôi gia trại quy mô nhỏ để tận dụng sản phẩm phụ từ kinh tế vườn.
 
Nhờ sự quyết liệt đó, thu nhập người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân toàn xã đạt 8,2 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 40%, giờ đây chỉ còn dưới 5%. 
Bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn xã miền núi rẻo cao Hương Hóa đã có nhiều khởi sắc.
Bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn xã miền núi rẻo cao Hương Hóa đã có nhiều khởi sắc.
Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Nguyễn Thị Thao cho biết: “Để có bước tiến vượt bậc đó, chúng tôi đã đưa ra được quyết sách đúng đắn, phù hợp và bám sát thực tế tình hình của địa phương để phát huy lợi thế, tiềm năng, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương. Và một điều tất yếu nữa là tập thể lãnh đạo xã đã có sự quyết tâm chính trị cao và đồng lòng chung sức thực hiện, tích cực tuyên truyền vận động người dân. Có như vậy, chúng tôi mới tạo được sự đồng thuận của người dân, phát huy sức mạnh cộng đồng, cùng chung tay xây dựng NTM".
 
2. Năm 2015, nghĩa là sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, người viết bài này đã có lần đề cập đến cách làm hay và sáng tạo của địa phương này. Đó là câu chuyện khơi dậy sức dân và chuyện Tuyên Hóa “thưởng nóng” xi măng cho các địa phương có thành tích tốt phong trào hiến đất, hiến cây, giải phóng mặt bằng để làm đường bê tông.
 
Nhắc lại chuyện này, bởi lẽ, thời điểm đó giữa một "rừng cái khó" về đặc thù địa hình tự nhiên bị chia cắt; diện tích đất để quy hoạch sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không tập trung; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao..., huyện Tuyên Hóa quyết tâm lựa chọn tiêu chí xây dựng đường giao thông là tiêu chí mũi nhọn và được coi là một cú hích trong phong trào xây dựng NTM.
 
Lựa chọn điểm xuất phát này, Tuyên Hóa đã “điểm” trúng vào điều mà người dân đang rất cần và quan trọng hơn, bất kỳ ai cũng có thể đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung. Minh chứng cho điều đó là, chỉ sau 3 năm triển khai, từ chỗ có nhiều xã “trắng” về các tiêu chí NTM, đến năm 2015, Tuyên Hóa không có xã nào đạt dưới 4 tiêu chí, số xã đạt từ 7 đến 10 tiêu chí tăng từ 2 xã lên 13 xã. Và đến nay, Tuyên Hóa đã có 6 xã đạt chuẩn NTM.
 
Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện chỉ 7 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2019 đã tăng lên 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45% (năm 2010), xuống còn 14,54% (đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80% trở lên.
Phát triển kinh tế hộ theo hướng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển kinh tế hộ theo hướng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
3. Tuy nhiên, những kết quả nêu trên vẫn chưa thể giúp Tuyên Hóa “đuổi kịp” các địa phương khác trong phong trào xây dựng NTM. Những khó khăn và điều kiện đặc thù của địa phương đã khiến nguồn vốn đầu tư nói chung và đầu tư cho phát triển sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, hạ tầng và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động còn chậm, thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn còn thấp và thiếu bền vững; sản xuất cơ bản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn ít. Hiện tại, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các xã trên địa bàn huyện còn khá lớn. Trong khi một số xã đã chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, thì vẫn còn nhiều xã có số tiêu chí đạt rất thấp.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM tại các xã. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và cả giai đoạn, trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình, kế hoạch của từng năm; chú trọng các nội dung chưa cần đến kinh phí tổ chức tuyên truyền, người dân tự thực hiện. Đối với các tiêu chí được tỉnh, huyện cấp kinh phí, các địa phương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phải bảo đảm tính dân chủ, đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác, các địa phương cần vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, lựa chọn các tiêu chí, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện của thực tế để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả”.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Bộ kit xét nghiệm của Việt Nam được WHO chấp thuận: Cơ hội xuất khẩu
Bộ kit xét nghiệm của Việt Nam được WHO chấp thuận: Cơ hội xuất khẩu
Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam đã được WHO chấp thuận có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu bao gồm Vương quốc Anh.
 
Tuyên Hóa: Giông lốc làm gãy hàng trăm ha lúa đông-xuân
Tuyên Hóa: Giông lốc làm gãy hàng trăm ha lúa đông-xuân
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có mưa lớn kèm theo giông lốc làm gãy đổ nhiều diện tích lúa đông-xuân chuẩn bị thu hoạch.
 
Nỗ lực cung ứng điện mùa khô
Nỗ lực cung ứng điện mùa khô

(QBĐT) - Cùng với việc bảo đảm cung cấp điện liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình đã tập trung thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng điện trong mùa khô năm nay.