Khẩn trương phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa

  • 08:04, 23/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, do diễn biến thời tiết bất lợi nên hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương cùng bà con nông dân khẩn trương phòng trừ bệnh.
 
Vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 29.600ha (đạt 100,4% kế hoạch). Hiện tại, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn đã trổ bông, một số diện tích gần chín. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, trời âm u, có mưa, độ ẩm cao khiến các loại sâu bệnh tấn công lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông.
 
Tính đến ngày 16-4-2020, toàn tỉnh đã có 276ha lúa bị đạo ôn cổ bông. Các giống lúa bị bệnh chủ yếu, như: Đài thơm 8, Thiên ưu 8, TBR225, TBRI, IR353-66… Diện tích lúa bị bệnh tập trung nhiều ở các địa phương, như: huyện Lệ Thủy 146ha, TX. Ba Đồn 30ha, Quảng Ninh 85ha; tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 25-30%. Bệnh này do nấm Pyricularia Oryzae gây ra, thường xuất hiện từ khi cây lúa đẻ nhánh cho đến thời kỳ chín. Nấm tồn tại trong không trung hoặc có sẵn trên lá lúa, khi gặp thời tiết thuận lợi sẽ rơi vào cổ bông làm toàn bộ nhánh lúa đó chết. Cây lúa nào mắc bệnh sẽ thấy cổ bông bạc trắng và không thể cứu vãn.
 
Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của tỉnh với trên 10.000ha. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 4-2020, thời tiết trên địa bàn ngày nắng, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm không khí cao nên đã xuất hiện tình trạng bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa với diện tích khoảng 146ha. Các xã có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhiều, như: Hoa Thủy, Lộc Thủy, Trường Thủy... Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3-5%, có nơi cao từ 25-30% và xuất hiện từng đám cháy trên đồng ruộng.
 
Trước tình hình đó, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNN, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm tình hình phát sinh, phát triển của bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để tránh lây lan ra diện rộng. Các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận các hợp tác xã, thôn để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ bệnh. 
Nông dân huyện Lệ Thủy phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
Nông dân huyện Lệ Thủy phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNN huyện Lệ Thủy cho biết: “Để phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa, trước đó, huyện đã có những dự báo về tình hình bệnh này. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và bà con nông dân bám ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời bệnh. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn cơ bản đã được phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông”.
 
Tính đến ngày 16-4, huyện Quảng Ninh có 85ha lúa mắc bệnh đạo ôn cổ bông. Các xã có diện tích lúa mắc bệnh nhiều như: An Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Nĩnh, trong đó có khoảng 20ha bị bệnh nặng trên 10%. Để kịp thời phòng trừ bệnh, bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao, huyện Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Đồng thời, huyện khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh để kịp thời ngăn chặn.
 
Ông Trần Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi đang tuyên truyền, nhắc nhở bà con thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phun thuốc phòng trừ những diện tích lúa mắc bệnh, nơi nào lúa bị nhiễm nặng thì phải phun thêm nhiều lần”.
 
Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian tới, nếu các địa phương không phòng trừ quyết liệt, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa có thể tiếp tục phát sinh, gây hại nặng trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, sản lượng lúa vụ đông-xuân. Để phòng trừ bệnh, Chi cục cùng với các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn cổ bông. Một số giống lúa bị nhiễm nặng cần phải phun thuốc lại 100%, nếu không bệnh sẽ lan ra diện rộng, lúa có nguy cơ mất trắng. Bà con cũng nên phun thuốc cách nhau khoảng 5 ngày trước và sau khi lúa trổ bông, trường hợp phun xong bị mưa thì phải phun lại. Người dân cũng nên lưu ý, cần phải phun thuốc đều trên mặt lá lúa, bảo đảm lượng nước thuốc theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất và nên phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát mới đạt hiệu quả cao…
Xuân Vương

tin liên quan

Quảng Ninh: Mưa lớn bất thường làm thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu
Quảng Ninh: Mưa lớn bất thường làm thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu

(QBĐT) - Chiều 22-4, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, trong khoảng thời gian từ 12h45 đến 13h30, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có mưa lớn, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Quý I-2020, doanh số cho vay đạt gần 306 tỷ đồng
Quý I-2020, doanh số cho vay đạt gần 306 tỷ đồng
(QBĐT) - Tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, quý I-2020, doanh số cho vay đạt gần 306 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ gần 47 tỷ đồng; với trên 7,7 ngàn lượt khách hàng vay; bình quân cho vay 39,8 triệu đồng/khách hàng.
"Lối mở" cho vùng gò đồi Cao Quảng
"Lối mở" cho vùng gò đồi Cao Quảng

(QBĐT) - Nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) đã trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới trên vùng gò đồi, bước đầu đã khẳng định được tính thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương và tính hiệu quả, được người dân đánh giá cao.