Giá xăng dầu giảm mạnh: Ngư dân tự tin vươn khơi...
02:04, 26/04/2020
(QBĐT) - Để một chiếc tàu ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm đến 70% tổng chi phí. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá xăng dầu giảm kỷ lục trong vòng 11 năm qua, nên ngư dân Quảng Bình rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản, góp phần giải quyết khó khăn, vượt qua mùa dịch bệnh Covid-19...
Mỗi chuyến biển giảm gần 40% chi phí
Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, giá các mặt hàng thủy sản có giảm, nhưng bù lại nhờ giá xăng dầu giảm sâu, nên những chuyến tàu xa khơi của ngư dân vẫn có lãi. Bên cạnh đó, thời điểm này (từ tháng 3 đến 8 Âm lịch) đang vào mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm, có nhiều loại cá giá trị cao, như: cá thu, cá ngứa, cá bớp, cá ngừ…, nên ngư dân các địa phương trong tỉnh rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển.
Con tàu đánh bắt xa bờ với công suất 700CV chuyên nghề mành chụp của ngư dân Lê Quang Nam ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch vừa cập bến sông Roòn, bán mẻ hải sản thu được hơn 400 triệu đồng. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hải sản có hạ đôi chút nhưng nhờ giá dầu giảm sâu, đánh bắt đạt sản lượng nên chuyến biển vừa rồi của chúng tôi vẫn có lãi. Sau khi trừ các chi phí, 7 lao động trên tàu cá của tôi đều được chia trung bình trên 10 triệu đồng/lao động”, ông Nam chia sẻ.
Thương lái thu mua hải sản của ngư dân ngay tại bờ biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch.
Tại cảng Gianh, ngư dân Nguyễn Văn Chính ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch), chủ một tàu cá có công suất 803 CV chuyên nghề lưới vây (trên tàu có 15 lao động), đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Ông Chính cho biết, nếu như trước Tết Nguyên đán, mỗi lần ra khơi tàu của ông phải chuẩn bị với chi phí trên 100 triệu đồng thì ở thời điểm hiện tại số tiền này chỉ còn khoảng 60 triệu đồng. Bởi lẽ, để một chiếc tàu cá ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, chi phí tiền dầu đã chiếm đến 70% tổng chi phí. Với giá dầu giảm từ 17.000 đồng/lít xuống còn 11.000 đồng/lít, kéo theo những chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu biển, như: nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo, đã giúp mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được 40% chi phí.
“Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay, giá cả các loại hải sản đều xuống thấp vì không xuất khẩu được, hệ thống nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa.Tuy nhiên, nhờ giá xăng dầu giảm, ngư dân đỡ phần nào chi phí, nên ra khơi, chúng tôi hy vọng vẫn có lãi”, ông Chính nói.
Trong khi đó, tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch), mặc dù là xã biển bãi ngang, các tàu cá có công suất nhỏ (trên dưới 30 CV) nhưng ở thời điểm hiện tại, khi giá xăng dầu giảm, cá mực đánh bắt gần bờ tươi ngon, bán được giá nên hầu hết ngư dân ra biển đánh bắt trở về đều có lãi cao.
Ngư dân Lê Hồng Phong ở xã Nhân Trạch cho biết, ông và người em cùng chung 1 chiếc tàu cá công suất 40CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến ra khơi (từ 16 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), tàu cá của ông tiêu thụ hết 60 lít dầu. Nếu như trước đây, mỗi đêm đánh bắt, riêng tiền dầu đã tốn hơn 1 triệu đồng, thì hiện nay chỉ còn lại khoảng 660.000 đồng. Vì vậy, theo ông Phong, mặc dù biển bãi ngang năm nay mất mùa hơn so với mọi năm nhưng nhờ đánh bắt gần bờ, cá mực tươi ngon, bán được giá nên mỗi đêm đánh bắt anh em ông cũng kiếm được trên 1triệu đồng/người.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo
Có mặt tại các cảng cá của tỉnh trong những ngày này, mặc dù giá các loại thủy sản có giảm do sức tiêu thụ yếu bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng tàu cá của ngư dân vẫn tấp nập ra khơi, vào bến. Nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ tâm sự: “Giá nhiên liệu giảm đã góp phần giúp ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển với thời gian dài hơn, ngư trường đánh bắt xa hơn. Bên cạnh việc giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động nghề biển, thì sự có mặt của ngư dân ở các ngư trường trọng điểm như Trường Sa, Hoàng Sa đã góp phần bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Ngoài ra, theo các ngư dân, bám biển trong thời gian này cũng là để giữ chân các bạn thuyền, nếu hoạt động đánh bắt của con tàu bị ngưng trệ, thuyền viên đi tàu khác thì thời gian tới, khi đến vụ cá Nam (vụ cá chính trong năm), lúc ấy tìm bạn thuyền đi biển rất khó khăn.
Bán hết hải sản, các tàu cá vui mừng gấp rút chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới trong điều kiện giá dầu giảm sâu.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), toàn tỉnh Quảng Bình hiện có có 5.732 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó gần 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho trên 24.000 lao động trực tiếp trên biển. Tổng kết vụ cá Bắc năm 2019-2020, mặc dù vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như: ngư trường, nguồn lợi thủy sản suy giảm; chi phí chuyến biển tăng, giá bán sản phẩm không ổn định; thiếu lao động nghề biển…, nhưng sản lượng khai thác biển ước đạt 23.116 tấn, đạt 111,6% so với với sản lượng khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019.
Ở thời điểm hiên tại, ngư dân bước vào vụ cá Nam, bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8 hàng năm. Hoạt động đánh bắt cá được tiến hành quanh năm, nhưng sản lượng vụ cá Nam chiếm đến 70% tổng sản lượng đánh bắt cả năm. Bước vào vụ cá Nam năm 2020, mục tiêu đặt ra của ngành khai thác hải sản trên biển là 40.000 tấn.
Đồng hành với ngư dân, thời gian qua, Chi cục Thủy sản cũng chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; trong đó có chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu. Đơn vị cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn và tuyên truyền ngư dân ký cam kết trong việc không khai thác hải sản bất hợp pháp, tuân thủ mọi quy định của IUU.
(QBĐT) - Ngày 24-4, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta có mưa lớn và giông lốc đã gây thiệt hại trên 2.300ha lúa vụ đông-xuân.
(QBĐT) - Trong nhiều năm trở lại đây, phát triển kinh tế trồng rừng đã trở thành hướng đi được các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân chú trọng nhằm tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc trồng rừng đã góp phần giúp nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
(QBĐT) - Ngày 24-4, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 7 triệu đồng đối với chủ hàng vi phạm trong quá trình vận chuyển lợn qua địa bàn.